Thương mại, chiến tranh và Biển Đông

Trong vùng biển từng được cho là đã đạt được tiến bộ, một mặt trận đáng lo ngại đang hình thành: làn sóng ngầm liên kết tranh chấp ở Biển Đông với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.


Khi đi qua vùng mở rộng của đồng bằng sông Châu Giang, từ Macau đến Hong Kong, đến một lúc nào đó bạn sẽ không thấy đất liền nữa; trước mặt bạn chẳng có gì ngoài biển. Vào ngày 1/8, trong mùa mưa bão, màn mưa di chuyển nhanh chóng khắp vịnh tạo ra cảm giác nhầm lẫn về một vùng đất trống không người ở, mà ở đó trên thực tế lại là khu vực đô thị hóa đông đúc nhất châu Á - cỗ máy công nghiệp thúc đẩy sự trỗi dậy của Trung Quốc, một trong những trung tâm trung chuyển lớn toàn cầu. Các tàu công-te-nơ cỡ lớn, những con lạc đà thời hiện đại, đều đi qua đây. Từ mạn phải của chiếc phà cao tốc, đâu đó xa xa, là một loạt đảo lớn, đảo nhỏ và các bãi đá có tranh chấp – những vệ thần của các tuyến đường biển kết nối thế giới bên ngoài.

Quyền tiếp cận và kiểm soát đồng bằng sông Châu Giang đã giúp xác định rõ lịch sử địa chính trị trong thời hiện đại. Khi các cường quốc phương Tây lần đầu tiên đi vòng quanh châu Phi và thâm nhập phương Đông, họ đã tới đây bằng đường biển. Và cuộc tranh giành ngôi vị bá chủ thế giới – sự toàn cầu hóa cuộc cạnh tranh của loài người – đã được định rõ bởi thương mại chứ không chỉ bởi Chúa hay sự vinh quang. Như Walter Raleigh (tên cướp biển gây kinh hoàng hay một hiệp sĩ được tôn vinh, tùy vào quan điểm của bạn đọc) từng lưu ý: “Bất cứ ai làm chủ biển cả sẽ làm chủ thương mại; bất cứ ai làm chủ thương mại thế giới sẽ làm chủ của cải trên thế giới; và do đó làm chủ chính cả thế giới”.

Do vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi ở những vùng biển này, chúng ta có thể thấy một cách rõ ràng hơn làn sóng ngầm liên kết tranh chấp ở Biển Đông với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra.

Một mảnh ghép của Lục địa

John Donne đã nhận định rằng “ Không ai sống đơn độc một mình như một hòn đảo trơ trọi; mỗi người là một mảnh ghép của lục địa, một phần của tổng thể”. Mặc dù phản ánh hoàn cảnh con người, nhưng nhận xét của Donne mở rộng tới tình thế tiến thoái lưỡng nan của Bắc Kinh giữa các vùng biên giới tranh chấp và sự bao vây chiến lược bằng đường biển. Đối với Trung Quốc hiện đại, các cấu trúc địa hình trên biển và chính vùng Biển Đông, do tính thiết yếu và bản năng tự sinh tồn, phải được coi là một mảnh ghép của lãnh thổ quốc gia, một phần của đế quốc lục địa rộng lớn.

Theo các tiêu chuẩn của Hòa ước Westphalia, “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là một cách tiếp cận mang tính cách mạng đối với lãnh thổ thuộc chủ quyền. Tuyên bố gây tranh cãi này bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông và làm tăng kích thước địa lý của Trung Quốc thêm gần 50%. “Đường 9 đoạn” là câu chuyện lịch sử gần đây, bắt nguồn từ một tấm bản đồ năm 1948 của Trung Quốc trước thời Cộng sản, và được Cộng hòa nhân dân Trung Hoa chính thức phục hồi vào năm 2009 nhằm phản đối Việt Nam và Malaysia nộp báo cáo chung nhằm về khu vực thềm lục địa kéo dài của họ theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).

Tuy nhiên, cơ sở để Trung Quốc khẳng định chủ quyền không phải là luật pháp quốc tế hiện thời hay thậm chí là quyền kiểm soát trong lịch sử đối với Biển Đông. Năm 2016, Tòa trọng tài, được thiết lập theo Phụ lục VII của UNCLOS, đã kết luận rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để khẳng định các quyền trong lịch sử đối với những khu vực biển nằm trong phạm vi “đường 9 đoạn”. Sau một quá trình điều tra kéo dài, Tòa trọng tài cũng nhận thấy rằng không có bằng chứng cho thấy trong lịch sử, Trung Quốc đã thực thi việc kiểm soát độc quyền đối với các vùng biển hoặc các nguồn tài nguyên của họ. Thay vào đó, Tòa trọng tài phát hiện ra rằng phần lớn lịch sử hàng hải và thương mại của Trung Quốc ở Biển Đông đơn giản chỉ là sự thực hiện các quyền tự do hoạt động trong vùng biển khơi hiện tại theo luật pháp quốc tế. Hơn nữa, do không có cấu trúc nào trong số cấu trúc địa hình mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền được Tòa trọng tài xem xét – các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough – về mặt kỹ thuật được coi là các “đảo” theo UNCLOS, nên chúng không phải là cơ sở để đưa ra được các tuyên bố chủ quyền hoặc những quyền lợi trên biển, như các vùng đặc quyền kinh tế.

Thay vào đó, “đường 9 đoạn” bắt nguồn từ lợi ích quốc gia ngày càng mở rộng của Trung Quốc trong việc đảm bảo khu vực ngoại vi và quyền tiếp cận của chính nước này đối với các tuyến đường thương mại có ý nghĩa sống còn. Giống như các cường quốc đế quốc đang trỗi dậy trước đây, Trung Quốc phải đối mặt với thách thức của việc liên kết các đường biên giới với tham vọng ngày một lớn và sự thèm khát các nguồn lực và thị trường ngày càng tăng của họ.

Trong trường hợp hiện tại, gần 1/3 số tàu thương mại hàng năm của thế giới đều đi qua Biển Đông. Tám trong số mười cảng công-te-nơ sầm uất nhất thế giới nằm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Gần 2/3 số tàu vận chuyển dầu của thế giới đi qua Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương, phần lớn trong số đó là tới Trung Quốc vốn phụ thuộc vào năng lượng. Không đảm bảo được quyền tiếp cận hàng hải trên khắp Biển Đông, Trung Quốc không thể chắc chắn về những xu hướng có lợi trong “những sự khác biệt về tỷ lệ tăng trưởng và thay đổi công nghệ” mà đã dẫn tới “những dịch chuyển trong cán cân kinh tế” và kết quả là sự dịch chuyển trong “cán cân chính trị và quân sự” – mà theo Paul Kennedy là động cơ cho tiến trình quá độ trở thành nước lớn.

Không phải chỉ là sự ngẫu nhiên khi chiến dịch xây dựng đảo trắng trợn của Bắc Kinh ở Biển Đông đã bắt đầu một cách nghiêm túc trong cùng năm Trung Quốc vượt Mỹ trở thành quốc gia thương mại lớn nhất thế giới. Kể từ năm 2013, tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á báo cáo rằng Trung Quốc đã tiến hành nạo vét và xây dựng đảo nhân tạo chưa từng có tiền lệ ở quần đảo Trường Sa, tạo ra vùng đất mới rộng gần 1.300 hecta, cùng với việc mở rộng đáng kể sự hiện diện của nước này ở quần đảo Hoàng Sa. Bắc Kinh đã phải tự lực giải quyết một mặt trận không an toàn. Lord Curzon, Toàn quyền Anh tại Ấn Độ, đã tóm tắt thách thức ở biên giới như sau: “Nếu những thế lực thù địch và không thân thiện dần tiến đến biên giới, và nấp ngay dưới bức tường của chúng ta, thì chúng ta buộc phải can thiệp vì mối nguy hiểm do đó sẽ lớn dần lên, một ngày nào đó có thể đe dọa tới an ninh của chúng ta”.

Từ lợi thế này, việc Chính quyền Trump gia tăng các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông có thể đem lại những kết quả ngoài các mục tiêu được tuyên bố là duy trì luật pháp quốc tế và tuyến giao thông biển toàn cầu. Ưu thế hải quân và khả năng sẵn sàng tác chiến của Mỹ cũng có thể được hiểu là một mối đe dọa khiến Trung Quốc không tiếp cận được các thị trường và nguồn cung năng lượng của nước ngoài. Vào tháng 5/2018, lần đầu tiên quân đội Trung Quốc đã cho máy bay ném bom tầm xa hạ cánh xuống đảo Phú Lâm ở Biển Đông, tạo điều kiện hơn nữa cho việc triển khai lực lượng của Bắc Kinh trong khu vực, trong đó tính đến cả những vị trí tiền tiêu của Mỹ. Nếu tình thế tiến thoái lưỡng nan ở Malacca chỉ mang tính lý thuyết, thì điều đáng gợi lại là Nhật Bản đã tấn công Trân Châu Cảng vào năm 1941 sau khi Mỹ quyết định áp đặt lệnh cấm vận thương mại và dầu mỏ đối với Nhật Bản, điều về cơ bản hẳn sẽ làm tê liệt nước này.

Cũng cần cân nhắc những sự không chắc chắn vốn sâu sắc từ trước, và chúng cũng bắt đầu bằng thương mại. Đáng chú ý là, trọng tâm của “đường lưỡi bò” – cụm từ thường dùng để miêu tả đường ranh giới đứt đoạn – bắt nguồn trực tiếp từ cửa sông Châu Giang, điểm đặt chân đầu tiên của các cường quốc phương Tây tới Trung Quốc hơn 500 năm trước.

Thương mại và sự không an toàn

Năm 1513, ngay sau khi một nhà thám hiểm khác người Iberia đặt chân đến châu Mỹ, Jorge Alvares đã tới Quảng Châu vẫy lá cờ của Bồ Đào Nha. Người Bồ Đào Nha cuối cùng đã thành lập Macau, nơi định cư đầu tiên của người châu Âu ở vùng Viễn Đông, đóng vai trò như là một trung tâm thương mại. Tansen Sen kết luận rằng thỏa thuận thương mại Luso-Trung Quốc năm 1554 đã cho phép người Bồ Đào Nha thực sự nắm quyền kiểm soát thị trường trên biển từ bờ biển Malabar đến miền Nam Trung Quốc tới các cảng ở Nhật Bản. Nhưng chẳng bao lâu sau những người khác cũng đã đến, và cuộc chạy đua toàn cầu giành quyền làm chủ các tuyến đường biển trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đột nhiên diễn ra. Cuộc cạnh tranh này sẽ liên quan đến thương mại, chiến tranh, luật pháp quốc tế và sự xói mòn dần chủ quyền của Trung Quốc từ đường bờ biển của nước này.

Chẳng hạn, vào cuối thế kỷ 16, người Hà Lan đã bắt đầu xâm phạm đặc quyền của Bồ Đào Nha tại châu Á. Ngày 25/2/1603, gần Singapore ngày nay, Công ty Đông Ấn của Hà Lan (VOC) đã chiếm con tàu Santa Catarina của Bồ Đào Nha, chất đầy hàng hóa từ các cảng của Macau và Trung Quốc, đang trên đường đến Malacca. Người Hà Lan đã thuê một luật sư trẻ tuổi và có tài tên là Hugo Grotius hợp pháp hóa hành động của họ theo các điều luật chiến tranh. Như một phần trong bản tóm tắt hồ sơ biện hộ của mình, Grotius đã phát hành dưới dạng nặc danh cuốn Mare Liberum (Biển cả tự do), chính thức truyền bá quyền tự do hàng hải. Ông lập luận rằng việc hạn chế quyền giao thương, bằng việc cấm tiếp cận hoặc cản trở hoạt động hàng hải, là nguyên nhân gây ra một cuộc chiến tranh chính nghĩa. Như tác giả đã lưu ý trong những trang viết này, tác động ngầm của những chủ đề này tiếp tục gây ảnh hưởng đến sự phát triển của luật pháp quốc tế, kể cả trong suốt những “cuộc chiến pháp lý” về Biển Đông.

Trong thế kỷ 17, Bắc Kinh đã tìm cách ngăn chặn sự hiện diện ngày càng tăng của phương Tây, do các tập đoàn hàng đầu của thế giới như VOC và Công ty Đông Ấn của Anh thúc đẩy. Đến thế kỷ 18, các cường quốc phương Tây, được khuyến khích bởi sự phát triển nở rộ của Cách mạng Công nghiệp tại Anh, đã bắt đầu nổi giận trước quy chế thương mại nghiêm ngặt theo “chế độ Canton” thông qua các thương lái được lựa chọn ở Quảng Châu. Năm 1793, Đức vua George III đã cử Bá tước George McCartney đi sứ với nhiệm vụ đạt được “thương mại tự do” dựa trên “điều kiện bình đẳng” với Bắc Kinh. Vị công sứ này đã thất bại thảm hại. Theo mô tả của Henry Kissinger, những chỉ thị của nhiệm vụ này nhằm mở ra “cuộc cạnh tranh công bằng trên thị trường” không có khái niệm tương đương trực tiếp ở Trung Quốc vốn theo tư tưởng Khổng Tử. Nhưng những truyền thống mềm dẻo sẽ nhường đường cho ưu thế về công nghệ. Như nhà vua trong tác phẩm của Lin-Manuel Miranda dự đoán: Đại dương trỗi dậy, các đế chế sụp đổ.

Trụ cột cuối cùng trong sức mạnh của Trung Quốc đã sụp đổ với cuộc Chiến tranh Nha phiến vào thế kỷ 19. Phải gánh chịu các vấn đề về cán cân thanh toán – với việc bạc của nước Anh đổ vào và hàng hóa Trung Quốc chảy ra – Công ty Đông Ấn của Anh đã bắt đầu dựa vào nha phiến, phần lớn được trồng tại Ấn Độ, nhằm làm giảm thâm hụt thương mại. Nhận thấy mối đe dọa tới sức khỏe của dân chúng, Bắc Kinh tìm cách chấm dứt việc buôn bán ma túy, nhưng London đã dùng vũ lực để đòi hỏi quyền thương mại tự do. Theo Pankaj Mishra, trong giai đoạn này, “thương mại tự do” dường như không khác gì một lợi ích chung phải được thực thi bằng biện pháp quân sự giống như “dân chủ” trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Được trang bị công nghệ mới nhất (các tàu thủy chạy bằng hơi nước), người Anh đã phong tỏa Quảng Châu, chiếm giữ Thượng Hải và đe dọa Nam Kinh. Hiệp ước Nam Kinh năm 1842 đã áp đặt các điều kiện cho một Trung Quốc bại trận: mở cửa các cảng mới theo hiệp ước, trong đó có Thượng Hải; bồi thường và thanh toán cho tài sản của Anh bị chiếm giữ (nha phiến); và nhượng lại Hong Kong cho Anh.

Theo chân Anh, các cường quốc phương Tây, trong đó có Mỹ, cũng yêu cầu được đối xử bình đẳng. Nhưng những sự nhượng bộ hơn nữa của Trung Quốc đã không thể ngăn chặn được làn sóng chiến tranh thương mại khác. Đỉnh điểm là Anh đã tiến hành Chiến tranh Nha phiến lần hai vào năm 1856. Văn phòng Sử gia thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ tóm tắt hành động này như sau:

“Theo điều khoản tối huệ quốc trong những hiệp ước hiện tại, tất cả các cường quốc nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc đều được phép tìm kiếm những sự nhượng bộ như nhau từ Trung Quốc mà Anh đã đạt được bằng vũ lực. Kết quả là, Pháp, Nga và Mỹ liên tiếp ký các hiệp ước với Trung Quốc tại Thiên Tân vào năm 1858… Mặc dù Trung Quốc ký các hiệp ước vào năm 1858, nhưng phải mất thêm 2 năm chiến tranh nữa trước khi Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng thông qua chúng và chấp nhận các điều kiện. Cùng với các lực lượng Pháp, người Anh đã tiến vào thành phố và thiêu rụi Di Hòa Viên ở vùng ngoại vi Tây Bắc, nhưng chừa lại Tử Cấm Thành, nơi ở của Hoàng đế Trung Hoa”.

Cái được gọi là “những hiệp ước bất bình đẳng” này đã buộc Trung Quốc phải trao cho người nước ngoài vị thế đặc quyền – sự bảo hộ về mặt pháp lý theo đặc quyền ngoại giao trước quyền tài phán của Trung Quốc – và thừa nhận quyền thương mại và chính trị của các cường quốc bên ngoài. Tóm lại, thông qua các cuộc chiến tranh thương mại và các hiệp ước, Trung Quốc mất quyền chủ quyền đối với lãnh thổ của họ và quyền kiểm soát vận mệnh của mình.

Ảnh hưởng thích đáng của câu chuyện lịch sử này trong cuộc tranh luận hiện tại là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Nhưng theo lời của Edward Said, sẽ là sai lầm nếu bỏ qua sự hiện diện còn rơi rớt lại của chủ nghĩa đế quốc phương Tây tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tác động của nó trong việc “làm thay đổi nhận thức luận” đối với “nhận thức về thời đại của chúng ta”.

Theo câu chuyện kể này, “thế kỷ nhục nhã” đã tiếp tục cho đến năm 1949 với việc thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào năm 1949. Hoặc có lẽ sự khôi phục đã diễn ra khi Hong Kong và Macau, những tiền đồn cuối cùng của thực dân, được trao trả cho Trung Quốc lần lượt vào năm 1997 và 1999. Một thời điểm nổi bật khác là năm 2001, khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) – ít nhất đó là thực tế mà Tổng thống Mỹ Donald Trump biết rất rõ.

Vạn lý trường thành của Trump

Trong cuộc chạy đua chức tổng thống Mỹ năm 2016, khi dừng chân tại Nam Carolina, Trump lấy làm kiêu hãnh nói rằng “Trung Quốc đã xây dựng một bức tường dài 13.000 dặm từ 2.000 năm trước. Tham vọng của tôi là bức tường của chúng ta phải cao hơn nhiều”. Trong khi Trump mang tiếng xấu vì lời đe dọa của ông xây dựng một bức tường hữu hình ở biên giới, thì những kế hoạch của ông thiết lập một hàng rào thực sự xung quanh nền kinh tế Mỹ thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Mục tiêu hàng đầu của bức tường của ông – từ thuế quan tới hạn chế đầu tư, cho đến bảo hộ công nghệ và giới hạn thị thực – là Trung Quốc. Vũ khí được chọn để phản công và triển khai là thương mại.

Chính quyền Trump đã sớm nhiều lần phát đi tín hiệu về kế hoạch của họ thách thức nguyên trạng quan hệ Mỹ-Trung và nền kinh tế toàn cầu. Khi còn là ứng cử viên, Trump đã cam kết chấm dứt “cuộc tấn công kinh tế của Trung Quốc vào công ăn việc làm và của cải của Mỹ” bằng cách thực thi các thỏa thuận thương mại và áp dụng “đòn bẩy” kinh tế để thúc đẩy sự thay đổi. Ngay khi lên nắm quyền, ông đã ban hành Chiến lược an ninh quốc gia miêu tả một cuộc cạnh tranh toàn cầu với Trung Quốc vốn đòi hỏi “Mỹ phải suy nghĩ lại về các chính sách của 2 thập kỷ trước – những chính sách dựa trên giả định rằng sự can dự với các đối thủ và việc đưa họ vào các thể chế quốc tế và thương mại toàn cầu sẽ biến họ trở thành các bên tham gia tử tế và đối tác đáng tin cậy”. Trong chuyến thăm của Trump tới châu Á, ông đã chỉ trích cơ chế của WTO và các thông lệ thương mại của Trung Quốc, và cam kết hành động nhằm đảm bảo “quyền tiếp cận thị trường công bằng và bình đẳng” theo điều kiện ông đưa ra. Sau đó Trump đã nghiên cứu tỉ mỉ và đưa ra thuế quan nhắm mục tiêu vào các chính sách công nghiệp của Trung Quốc trên cơ sở rằng chúng lợi dụng quá mức các nguyên tắc thị trường tự do làm nền tảng cho sự thịnh vượng và đổi mới của Mỹ.

Trong khi chỉ trích kịch liệt ngoại thương, nhập cư và trật tự quốc tế dựa trên nguyên tắc, Trump có nguy cơ khiến Mỹ bị cô lập và làm xói mòn hệ sinh thái độc nhất của Mỹ từng được cho là đã tạo ra sự đổi mới và lợi thế công nghệ cho Mỹ. Bằng việc đóng cửa xã hội cởi mở của Mỹ, Trump có lẽ đã tham lợi trước mắt. Hơn nữa, thay vì phụ thuộc lẫn nhau, các nước có thể theo đuổi những con đường khác biệt với Mỹ. Những đồng minh trên khắp Đại Tây Dương có thể bắt đầu tạo thế cân bằng trước những mối đe dọa từ Trump. Tại đồng bằng sông Châu Giang này, Bắc Kinh đã sắp đặt các kế hoạch nhằm thiết lập “Cụm thành phố vịnh lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macau” như là một trung tâm đổi mới và tài chính tích hợp nhằm cạnh tranh với Thung lũng Silicon. Đây là những rủi ro mà Trump dường như có ý định chấp nhận.

Có lẽ là hơn bất kỳ tổng thống Mỹ nào trước đây, Trump đã bóc trần cuộc tranh giành quyền lực làm nền tảng cho thương mại quốc tế, công nghệ và tăng trưởng kinh tế. Về ý nghĩa này, chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ được phản ánh qua việc thâu tóm quyền lực không giấu giếm ở Biển Đông. Sâu sắc hơn, cuộc chiến thương mại của Trump và việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông thách thức những niềm tin đã có từ lâu trong thời đại Khai sáng về bản chất tử tế của thương mại.

Nhà kinh tế học Ludwig von Mises suy ngẫm: Nếu người thợ may gây chiến với người làm bánh, ông ta từ nay trở đi phải tự mình làm bánh. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu người thợ may quan tâm sâu sắc hơn tới đặc trưng của người làm bánh – quốc tịch, tôn giáo, chủng tộc, bản năng giới tính, hay bản sắc? Điều gì sẽ xảy ra nếu thương mại không chỉ là một hoạt động trao đổi tuyệt vời, mà còn là một căn nguyên của chiến tranh? Phải chăng sự tối ưu Pareto hay thậm chí là hiệu quả Pareto là mục tiêu chung nhất của các mối quan hệ của con người? Hay phải chăng nỗi lo sợ, niềm kiêu hãnh, sự đố kỵ, chủ nghĩa bộ lạc và chủ nghĩa dân tộc là tác nhân có ý nghĩa khi tìm cách xây dựng hòa bình vĩnh viễn?

Những người lạc quan có thể viện dẫn một cách chính đáng những giá trị của một nền hòa bình dân chủ và phân tích định lượng chứng tỏ rằng các nhà nước thương mại ít có khả năng tiến hành chiến tranh hơn. Nhưng kỷ nguyên toàn cầu hóa hiện đại lại không cố định; quan điểm về tương lai thay đổi không ngừng. Từ những vùng nước của đồng bằng sông Châu Giang, điều chúng ta có thể thấy đang hình thành là một mặt trận đáng lo ngại, sự bất đồng thương mại, điều chúng ta từng dễ dàng cho là sự tiến bộ.

Roncevert Ganan Almond là Đối tác và Phó Chủ tịch Tập đoàn Wicks, Washington, D.C. Ông là cố vấn pháp lý cho một số chính quyền ở Châu Á, Châu Âu, Trung Đông, Châu Phi và Mỹ Latin về các vấn đề luật quốc tế. Ông từng là giữ vai trò là cố vấn cho chiến dịch tranh cử tổng thống của Hilary Cliton năm 2018. Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả và được đăng trên The Diplomat.

Trần Quang (gt)

Nguồn: http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-nuoc-ngoai/7090-thuong-mai-chien-tranh-va-bien-dong

Đăng nhận xét

0 Nhận xét