Lãnh đạo Samsung Securities: Triều Tiên có thể thay thế Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất màn hình và điện thoại thông minh

Với Samsung Electronics, Triều Tiên là ứng cử viên hoàn hảo để đặt dây chuyền nhà máy bởi chi phí nhân công rẻ, không có rào cản ngôn ngữ và có cùng múi giờ.


Phó chủ tịch Samsung trong chuyến thăm tới Bình Nhưỡng vào tháng trước.

Người thừa kế tập đoàn Samsung đã gây chú ý trong chuyến thăm đầu tiên của ông tới thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên vào tháng trước.

Trong hành trình cùng phái đoàn gồm 200 thành viên từ Hàn Quốc sang Triều Tiên cùng Tổng thống Moon Jae-in, Phó chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong nhìn thấy một tấm biển quảng cáo gần nhà ga Bình Nhưỡng có dòng chứ "Khoa học là trên hết, Nhân tài là trên hết".

Những từ này gần như giống hoàn toàn với triết lý quản lý của Samsung: "Công nghệ là trên hết, Tài năng là trên hết".

"Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một thứ như vậy ở bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới", ông Lee tỏ ra đầy bất ngờ khi nói chuyện với Phó thủ tướng Triều Tiên Ri Ryong Nam trong cuộc họp vào ngày 18/9. "Vốn có tồn tại mối băn khoăn trong tâm trí nhưng hiện tại tôi cảm thấy chúng ta như là cùng một quốc gia vậy".

Những nhà lãnh đạo các tập đoàn khác cùng tham dự chuyến thăm này đã quay về với cùng những tín hiệu tích cực về tiềm năng khởi động kinh doanh tại Triều Tiên. Tuy nhiên, họ cũng được cảnh báo về những rủi ro và khó khăn.

Cấm vận từ UN và một số quốc gia gồm Mỹ và Hàn Quốc đối với Triều Tiên vẫn đang được tiến hành. Điều đó có nghĩa là các tập đoàn như Samsung, Lotte, SK, LG và Hyundai đều không thể hoạt động tại đây. Cũng có nhiều câu hỏi được đặt ra là liệu mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp này có thể kéo dài được bao lâu và ông Kim Jong Un có nghiêm túc với những khoản đầu tư từ nước ngoài hay không.

Tuy nhiên, ít nhất phía Tổng thống Moon và nhà lãnh đạo Kim đang vẽ ra những kế hoạch. Và họ nói rằng muốn những chaebol nổi tiếng của Hàn Quốc tham gia vào kế hoạch đó.

Trong thời gian ông Lee ở Bình Nhưỡng, nhà lãnh đạo 2 nước đã đồng ý phát triển nền kinh tế Triều Tiên, viết bản hòa ước xây dựng đường tàu và những con đường dọc bờ biển 2 quốc gia. Các nhà chức trách 2 bên cũng đồng ý vào hôm thứ 2 tại buổi họp ở ngôi làng đình chiến Panmunjom về việc chuẩn bị khởi công những dự án cơ sở hạ tầng vào cuối năm nay.

Kế hoạch là vậy nhưng có một câu hỏi lớn là: Tiền.

Hana Financial Investment – một công ty môi giới Hàn Quốc nói rằng kế hoạch đó có thể trị giá 38,1 nghìn tỷ won (tương đương 33,3 tỷ USD) để xây dựng hệ thống xe lửa tới Triều Tiên. Trong khi đó phía Societe Generale thì ước đoán mức giá cho những con đường trong kế hoạch kể trên vào khoảng 22,9 nghìn tỷ won, 19,1 nghìn tỷ won cho hệ thống đường sắt và 10,6 nghìn tỷ won cho viễn thông.

Chính phủ của ông Moon hiện đang gây áp lực lên các công ty Hàn Quốc để đầu tư trong nhiều dự án của 2 nước, từ xây dựng, năng lượng đến viễn thông và du lịch.

Trong suốt bài nói chuyện vào tháng trước, ông Moon và Kim đã đồng ý khôi phục hoạt động của tổ hợp công nghiệp Kaesong – nằm ở biên giới phía bắc mà có hơn 100 công ty Hàn Quốc từng sử dụng để hoạt động và sử dụng tổng cộng hơn 50.000 lao động Triều Tiên. Khu công nghiệp này đã bị đóng cửa vào năm 2016 khi phía Triều Tiên có những biểu hiện kích động chiến tranh.

Việc khách du lịch Hàn Quốc đến khu nghỉ dưỡng núi Kumgang tại Triều Tiên cũng đã được khôi phục.

Dù có nhiều tín hiệu đáng mừng là vậy, nhưng trừ Phó chủ tịch Lee có bày tỏ những tín hiệu cởi mở thấy rõ thì những công ty lớn nhất tại Hàn Quốc vẫn chưa đưa ra kế hoạch đầu tư nào cả. Nguồn tin thân cận với Samsung nói rằng công ty cũng vẫn rất thận trọng về việc tới Triều Tiên.

"Samsung là trường hợp khác khi họ phải đối mặt với sự cạnh tanh từ các đối thủ Trung Quốc với sản phẩm tương tự ở mức giá rẻ hơn. Với Samsung, thời điểm này nên để lo cho những kế hoạch khác hơn là đầu tư vào Triều Tiên".

Các chuyên gia phân tích thì nói rằng khu công nghiệp Kaesong rất hấp dẫn với các công ty Hàn Quốc bởi chi phí thuê rẻ, lao động rẻ và lại sẵn nguồn lao động cùng nói tiếng Hàn dồi dào. Hana nói rằng mức lương tối thiểu hàng tháng cho công nhân nhà máy tại đây vào năm 2014 chỉ là 63,8 USD, thấp hơn mức 95,8 USD tại TP Hồ Chí Minh, Việt Nam và 194 USD tại Trung Quốc. Ở khu Ansan ở Hàn Quốc, con số này thậm chí còn lên tới 800 USD.


Chi phí nhân công tối thiểu hàng tháng cho công nhân nhà máy ở một số khu vực, quốc gia.

"Với Samsung Electronics, Triều Tiên là ứng cử viên hoàn hảo để đặt dây chuyền nhà máy bởi chi phí nhân công rẻ, không có rào cản ngôn ngữ và có cùng múi giờ. Triều Tiên có thể đóng vai trò sản xuất chính tại châu Á trong hệ thống kinh tế toàn cầu", theo You Seung-min – Chiến lược gia trưởng tại Samsung Securities nói.

Đặc biệt, ông You còn cho biết thêm rằng Triều Tiên có thể thay thế Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất chính đối với các sản phẩm gồm điện thoại thông minh và màn hình.

SK và Hyundai cũng tỏ ra khá lạc quan. "Có nhiều cơ hội ở Triều Tiên", chủ tịch tập đoàn SK Chey Tae-won nói.

Hyundai cũng đã cam kết khởi đầu lại những tour du lịch tới núi Kumgang và khởi công những dự án khác tại Bình Nhưỡng. "Bình nhưỡng – nơi tôi từng ghé thăm 7 năm trước đã thay đổi rất nhiều và tôi chẳng thể nhận ra nó. Tôi biết có nhiều rào cản cần vượt qua nhưng tôi cảm thấy tràn đầy hy vọng ở phía trước", Chủ tịch Hyundai Hyun Jeong-eun nói.

Trong khi đó, phía LG thì tỏ ra thận trọng hơn. Công ty này từng có một dây chuyền lắp ráp tivi tại Triều Tiên nhưng sau đó đã rút khỏi đây vào năm 2009 vì cấm vận. Hiện họ cũng tỏ ý cân nhắc về tiềm năng của Triều Tiên nhưng chưa đưa ra kế hoạch gì cụ thể.

Một nguồn tin thân cận với Lotte thì nói rằng công ty cũng nhận thấy các cơ hội tại Triều Tiên về lĩnh vực khách sạn, xây dựng, thực phẩm và bán lẻ nhưng rủi ro cũng rất nhiều. "Lotte muốn chắc chắn rằng các nhà chức trách Triều Tiên đảm bảo họ có thể mang lợi nhuận và các khoản đầu tư về".


Tổng lượng giao dịch thương mại của Triều Tiên với thế giới.

Nhìn chung, mấu chốt vấn đề vẫn là các cấm vận phải được dỡ bỏ. Khi ấy, bất kỳ kế hoạch kinh doanh nào tại Triều Tiên cũng sẽ có cơ hội rộng mở để thực hiện.

Xuất khẩu hàng năm từ Triều Tiên tăng từ mức 2,3 tỷ USD trong năm 2001 lên mức kỷ lục 7,6 tỷ USD trong năm 2014 theo số liệu của Bank of Korea. Tuy nhiên, con số này giảm xuống còn 5,6 tỷ USD vào năm 2017 khi cộng đồng quốc tế thắt chặt các lệnh cấm vấn do những lo ngại về việc thử tên lửa hạt nhân.

Nguồn: GenK

Đăng nhận xét

0 Nhận xét