Công viên địa chất toàn cầu Cao Bằng vừa được UNESCO công nhận bao gồm 6 huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa và một phần diện tích các huyện Hòa An, Nguyên Bình và Thạch An, có diện tích trên 3.000 km2. Để trải nghiệm công viên, ban quản lý công viên đã xây dựng 3 tuyến với 3 chủ đề khác nhau.
“Khám phá Phia Oắc - ngọn núi của những đổi thay” là tên gọi của tuyến du lịch cụm phía Tây, tập trung ở huyện Nguyên Bình. Trên ảnh là thung lũng treo Nậm Kép, huyện Nguyên Bình. Ảnh: Xuân Trường.
Điểm nhấn của tuyến này là khu du lịch sinh thái Phia Oắc - Phia Đén. Trong đó đỉnh Phia Oắc cao hơn 1.900 m được coi là nóc nhà của Cao Bằng, nơi từng nhiều lần xuất hiện băng giá.
Về địa chất nơi đây có sự đan xen giữa các loại đá lục nguyên, đá vôi và đá xâm nhập granit, tạo nên các dãy núi đất xen với núi đá. Xưa kia người Pháp đã chọn Phia Oắc - Phia Đén làm nơi nghỉ mát, hiện vẫn còn các dấu tích của các biệt thự, nhà nghỉ của các công chức thời Pháp. Rừng ở đây còn giữ được nhiều nét nguyên sinh, trong đó đặc trưng là các khu rừng lùn.
Tham quan tuyến này, du khách còn có thể ghé điểm di sản hóa thạch tại xã Lang Môn, làng dệt thổ cẩm in sáp ong của dân tộc Dao (ảnh), khu rừng Trần Hưng Đạo...
Tuyến tham quan phía bắc Cao Bằng có chủ đề "Trở về nguồn cội", tập trung ở huyện Hoà An và Hà Quảng. Du khách sẽ tìm hiểu về các di tích lịch sử văn hoá như đền Dẻ Đoóng, đền vua Lê, khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng) cùng các dấu ấn quá trình hoạt động cách mạng 1941-1944 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với địa hình núi đá đa dạng, tuyến này cũng chứa đựng di sản địa chất mang giá trị quốc tế. Tại huyện Hà Quảng, các nhà khoa học đã tìm thấy hoá thạch Cúc đá, có giá trị định tuổi các tầng lớp đá chứa chúng và xác định đứt gãy địa tầng. Đó là tên nhóm các loài sinh vật biển thân mềm tiến hóa cao nhất, cách đây 66 triệu năm.
Trong logo biểu tượng của công viên địa chất Non nước Cao Bằng, hoá thạch Cúc đá được chọn làm biểu tượng đại diện cho khoa học về hai cấu trúc diện mạo địa chất điển hình karst trẻ, karst già và cũng là biểu trưng giá trị văn hóa đặc sắc của Cao Bằng. Karst là hiện tượng phong hóa đặc trưng của những miền núi đá vôi bị nước chảy xói mòn.
Tuyến này còn đưa du khách đi các kỳ quan núi đá vôi như Vườn đá, động Ngườm Bốc, Ngườm Slưa... Trong ảnh là thung lũng treo Sóc Giang, huyện Hà Quảng.
Tuyến phía Đông mang đến “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên”, tập trung vào các huyện Trà Lĩnh, Quảng Uyên và Trùng Khánh. Du khách sẽ có dịp đến với các làng nghề truyền thống, các lễ hội dân gian, cũng như những món ăn nổi tiếng của người Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ… Ở Phia Thắp, xã Quốc Dân, huyện Quảng Uyên nổi tiếng nhất là nghề làm hương.
Trên tuyến này, du khách cũng sẽ được ngắm các cảnh quan karst trưởng thành và già, đặc trưng của công viên địa chất toàn cầu. Trong ảnh là núi Mắt Thần trong hồ Nặm Trá, huyện Trà Lĩnh.
Thác Bản Giốc ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, được mệnh danh là thác lớn và đẹp thứ tư thế giới, trong số các thác nước ở biên giới giữa các quốc gia. Cảnh quan quanh thác là địa hình karst dạng cụm đỉnh - lũng trên bề mặt san bằng 400-600m với thảm phủ thực vật dày.
Thác cao 3 tầng, gồm có thác phụ và thác chính. Thác phụ nằm trong địa phận Việt Nam, dài 150 m gồm một tầng cao khoảng 30 m. Thác chính nằm giữa biên giới Việt - Trung dài khoảng 50 m. Ảnh: Xuân Trường.
Nguồn VnExpress
0 Nhận xét