Xung đột vũ trang miền Bắc Myanmar rất giống với miền Đông Ukraine

Khu vực xung đột vũ trang ở đông bắc Myanmar sát biên giới với Trung Quốc đang có nguy cơ lan rộng.


Chiến sự giữa chính phủ và người vùng Kokang đã vượt ra ngoài ranh giới khu tự trị, nơi người Myanmar gốc Hán tập trung sinh sống. Những áp lực chính trị nhằm vào Trung Quốc cũng gia tăng, quốc gia đã lần nữa chính thức tuyên bố không liên quan tới các sự kiện ở biên giới phía nam.

Myanmar áp dụng tình trạng khẩn cấp và thiết quân luật ở Kokang từ ngày 17 tháng 2.

Trong khi đó, quân nổi dậy chống chính phủ mở rộng vùng chiến sự. Ngày càng tăng số người tị nạn chạy sang Trung Quốc. Theo phương tiện truyền thông của Thái Lan và các nước trong khu vực Đông Nam Á, tính từ khi xung đột bắt đầu ngày 9 tháng 2, có tới 100.000 người đã vượt qua biên giới sang Trung Quốc. Trước đó 10 ngày, con số được nêu là 30.000 người.

Phía Trung Quốc chưa đóng cửa biên giới nhưng ra lệnh tăng cường các biện pháp an ninh trong khu vực. Nhiều giả thiết xuất hiện cho rằng trong cuộc xung đột ở Myanmar có những đầu mối từ Trung Quốc. Các đối thủ chính trị của Trung Quốc cáo buộc nước này đã cung cấp vũ khí cho người Kokang. Trung Quốc mạnh mẽ bác bỏ sự dính líu của họ, đồng thời tuyên bố đẩy mạnh hoạt động chống buôn lậu vũ khí trong khu vực chiến sự.

Hôm thứ Tư, nhà chức trách Trung Quốc tái khẳng định họ không hỗ trợ các nhóm vũ trang nổi loạn. Sự bác bỏ xuất hiện sau khi các phương tiện truyền thông nước ngoài cho biết lính đánh thuê từ Trung Quốc tham gia cuộc đấu tranh của người Kokang đòi thêm quyền tự trị. Trong cuộc phỏng vấn của Hoàn cầu Thời báo, lãnh đạo phiến quân Myanmar Peng Jiasheng cũng phủ nhận những thông tin như vậy. Sự kiện trên biên giới Myanmar là một cơ hội thuận lợi để tung tin đồn phục vụ ván bài chống Trung Quốc, - chuyên gia Nga Boris Volkhonsky nhận xét:

“Myanmar từ lâu đã biến thành một sàn đấu của ván bài địa chính trị đang càng ngày lớn nhanh. Tất nhiên, các đối thủ ở bên ngoài có thể lợi dụng sự bất ổn trong khu vực để chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc, là nước có ảnh hưởng mạnh ở Myanmar.”

Xung đột giữa chính quyền và người Kokang diễn ra âm ỉ trong nhiều thập kỷ. Căng thẳng bùng phát vào tháng Mười Hai năm 2014, sau gần sáu năm đình chiến. Năm 2015 bắt đầu được mệnh danh là "mùa xuân Myanmar cho phương Tây." Sau khi chính quyền quân sự bị lật đổ, người Mỹ, người Nhật và châu Âu bắt đầu quay trở lại đây. Ở Myanmar, đâu đâu họ cũng vấp phải sự thống trị của các doanh nghiệp Trung Quốc. Trong ván bài mở rộng ảnh hưởng ở Myanmar, phương Tây rất có thể chống Trung Quốc bằng con chủ bài kích động xung đột trong những người Myanmar gốc Hán. Hơn ai hết, Trung Quốc không hề mong một thùng thuốc nổ nằm trên biên giới phía nam, - ông Boris Volkhonsky khẳng định:

“Rõ ràng cuộc xung đột này không có lợi cho Trung Quốc. Myanmar đang biến thành một sàn cạnh tranh ảnh hưởng khá khốc liệt. Vốn tư bản và các chính trị gia phương Tây tích cực nhảy vào nước này. Họ rất muốn lấn át Trung Quốc trong nền kinh tế và chính trị Myanmar. Từ đây có thể giả định rằng, nếu không có lợi cho Trung Quốc thì cuộc xung đột là có lợi cho các đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc.”

Hiển nhiên, mọi nỗ lực tạo lò lửa căng thẳng trên biên giới rất phù hợp với chiến lược kiềm chế Trung Quốc của phương Tây. Nhất là khi lò lửa đã có sẵn. Lúc này, Trung Quốc cũng chưa kiểm soát chặt được biên giới tây bắc, các phiến quân người Uighur tương đối tự do qua lại Pakistan. Và từ đấy, tiền bạc và các loại vũ khí được tuồn vào cho phong trào ly khai của Tân Cương ở Trung Quốc. Tại biển Hoa Đông và Hoa Nam (Biển Đông), Trung Quốc có loạt vấn đề tranh chấp vùng biển và hải đảo với Nhật Bản, Việt Nam, Philippines và một số quốc gia khác. Giờ đây, đang hình thành thêm lò lửa căng thẳng mới trên biên giới giữa Trung Quốc và Myanmar.

http://vietnamese.ruvr.ru/2015_02_28/283135190/

Đăng nhận xét

0 Nhận xét