Chuẩn bị cho xung đột quân sự ở Biển Đông

Ngày 2/2, tờ Washington Free Beacon dẫn nhận định của ông James E. Fanell, nguyên Giám đốc tình báo của Hạm đội Thái Bình Dương (từ năm 2011 và được đánh giá là một trong những quan chức tình báo cao cấp nhất của Mỹ) khi cảnh báo về sự chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự của Trung Quốc ở châu Á.


Nhận định này được ông James E. Fanell đưa ra hôm 31/1 (tại lễ nghỉ hưu của mình ở Trân Châu Cảng) cùng với khuyến cáo: Cần đưa ra những đánh giá trung thực về mối nguy hiểm gây ra bởi sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc. Trong 2 năm 2013 và 2014, ông James E. Fanell từng thẳng thừng chỉ trích các mối đe dọa của Trung Quốc nên bị một số người dèm pha. Ông James E. Fanell cũng đề cập tới "chuỗi đảo thứ nhất" khi cho rằng, Hải quân Trung Quốc đang từng bước đạt được mục tiêu chiến lược đề ra.

Thích hăm dọa

Ngày 3/2, tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lại thông tin trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (về bài Thách thức Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông là sách lược nguy hiểm) với giọng điệu xuyên tạc khi cho rằng, chính phủ một số nước như Philippines, Mỹ… đã có hành vi lấn biển, xây đảo bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, vi phạm Tuyên bố về hành vi ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đơn phương thăm dò dầu khí ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam (theo UNCLOS). Một lần nữa, Thời báo Hoàn Cầu lại phát huy “truyền thống vu vạ”, đổ lỗi cho các nước hữu quan đang bị Trung Quốc hăm doạ tại Biển Đông.


Ông James E. Fanell

Ngày 1/2, tờ Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, Nhật Bản hỗ trợ Philippines leo thang khiêu khích ở Biển Đông, mưu toan liên kết hành động ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Và việc này diễn ra khi Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin thăm Nhật Bản (từ 29 đến 31/1). Trước đó, Philippines và Mỹ đã tổ chức vòng đối thoại chiến lược lần thứ 5 và Bắc Kinh coi đây là động thái "kết bè kéo cánh" nhằm đối phó với Trung Quốc. Thời báo Hoàn Cầu còn xuyên tạc rằng: Philippines đã xâm chiếm đảo đá ngầm của Trung Quốc ở Biển Đông và trong các hành động của Philippines, Mỹ và Nhật Bản đóng vai trò đồng lõa.

Giới chuyên môn từng nhiều lần khuyến cáo về thủ đoạn của Trung Quốc trong việc sử dụng giới truyền thông như một vũ khí đắc lực nhằm giành được sự công nhận trên thực tế đối với các hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế mà Bắc Kinh đã và đang tiến hành tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Theo giới truyền thông, bất chấp sức ép của Bắc Kinh, ngày 28/1, các ngoại trưởng ASEAN khi nhóm họp tại thành phố Kota Kinabalu trên đảo Borneo của Malaysia đã bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc đảo hóa các bãi đá ngầm nhằm phục vụ mưu đồ độc bá Biển Đông.

Ngày 2/2, Tổng thống Barack Obama khẳng định, Washington ủng hộ sự phát triển của Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh không nên cậy thế bắt nạt các nước nhỏ trong tranh chấp chủ quyền; đồng thời cố gắng giải quyết vấn đề này một cách hòa bình, theo luật pháp quốc tế. Ông chủ Nhà Trắng cũng tìm cách trấn an Bắc Kinh khi cho rằng, Trung Quốc không nhất thiết bị đe dọa vì Mỹ quan hệ tốt với Ấn Độ. Tổng thống Barack Obama đưa ra tuyên bố kể trên sau khi Đài Phát thanh Quốc gia Trung Quốc bình luận (sau chuyến thăm New Delhi 3 ngày của ông chủ Nhà Trắng): Mỹ muốn dùng Ấn Độ để kiềm chế Trung Quốc, nhưng New Delhi không đồng ý với chiến lược này.

Cũng trong ngày 2/2, tại Bắc Kinh, Trung - Mỹ đã tiến hành hội nghị tham vấn lần thứ 7 về kiểm soát vũ khí đa phương và an ninh chiến lược, do Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Rose Gottemoeller đồng chủ trì. 2 bên nhất trí tăng cường đối thoại, hợp tác và lòng tin chiến lược trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và hợp tác đôi bên cùng thắng.

Tạo lợi thế

Tân Hoa xã vừa dẫn thông tư do Bộ Tổng Tham mưu quân đội Trung Quốc công bố hôm 2/2, theo đó Bắc Kinh đã lên kế hoạch cho các cuộc tập trận (trên khắp các khu vực, theo các kịch bản tác chiến, tình huống) diễn ra trong năm 2015. Theo nhận định của chuyên gia quân sự Trung Quốc Tào Vệ Đông, trong tương lai Bắc Kinh cần sở hữu 4 tàu sân bay với lượng giãn nước 60.000-80.000 tấn là thích hợp, không cần loại tàu 100.000 tấn hoặc lớn hơn như của Mỹ. Bởi các nước sử dụng tàu sân bay thường tuân thủ chế độ “3-3": 1 chiếc làm nhiệm vụ, 1 chiếc huấn luyện và 1 chiếc sửa chữa, trong khi Trung Quốc mới có 1 chiếc Liêu Ninh. Tào Vệ Đông cho rằng, nếu có 4 tàu sân bay (2 chiếc ở Biển Đông, 2 chiếc ở hướng Bắc), Bắc Kinh mới có thể đảm trách được yêu cầu của tình hình hiện nay.

Trong khi đó, tờ South China Morning Post dẫn lời giới chức thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc cho biết, Tập đoàn cáp Thượng Thượng Giang Tô đã giành được hợp đồng cung cấp cáp cho chiếc tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc. Và đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy, Bắc Kinh đang tăng cường sức mạnh hải quân.


Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Hải quân Mỹ

Ngày 31/1, tờ South China Morning Post bình luận, Trung Quốc sẽ thông qua cuộc duyệt binh quy mô lớn được tổ chức tại Bắc Kinh nhân kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II nhằm “khoe cơ bắp”, nhắc nhở người Trung Quốc "không được quên quá khứ", đồng thời tạo cho Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch quân ủy Trung ương Tập Cận Bình cơ hội khẳng định vai trò lãnh đạo của mình.

Cũng trong ngày 31/1, tờ Đa Chiều bình luận về 5 cơ cấu quyền lực nhất báo cáo Bộ Chính trị và chế độ Chủ tịch Quân ủy phụ trách (mọi mặt công tác) cùng cụm từ "lãnh đạo tập trung thống nhất" bởi thời gian qua vấn đề này được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần. Và đây đều là những quan điểm “trị quốc” của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch quân ủy Trung ương Tập Cận Bình.

Nhiều chuyên gia cảnh báo, Trung Quốc đang thực hiện chiến thuật gặm nhấm từng bước, dẫn đến “cái chết với nhiều lát cắt”. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers từng chỉ trích “những hành động gây hấn và trơ tráo của Trung Quốc” khi Bắc Kinh thực hiện chiến thuật gặm nhấm từng bước nhằm thay đổi hiện trạng trong khu vực - từ bãi này sang bãi khác, từ đảo này sang đảo khác. Tuy nhiên, ông Mike Rogers lại lưu ý Mỹ cần tránh xung đột trực tiếp với Trung Quốc cho dù Washington hiểu rõ mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh là độc chiếm Biển Đông.

Đột phá “chuỗi đảo thứ nhất”

Giới quân sự cho rằng, Trung Quốc âm mưu lập chuỗi phòng thủ bán nguyệt trên Thái Bình Dương khi tích cực bồi đắp và quân sự hóa các đảo tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Ngoài việc tăng cường bồi đắp tại bãi Chữ Thập tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Bắc Kinh còn đẩy nhanh tốc độ nạo vét, xây dựng đê chắn sóng và doanh trại ở các bãi đá Gạc Ma, Châu Viên, Gaven, Ken Nan nhằm dấn thêm một bước trong việc “thít chặt gọng” kìm khống chế tại Biển Đông.

Giới chuyên môn coi động thái xây dựng tại bãi Chữ Thập của Trung Quốc là nhằm ép các nước hữu quan từ bỏ tuyên bố chủ quyền và lãnh thổ của mình ở Biển Đông và đối phó với vụ kiện của Philippines về “đường lưỡi bò”.


Máy bay tuần tra săn ngầm P-1 của Nhật Bản

Theo bà Bonnie Glaser, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), đây còn được coi là các bước chuẩn bị để Bắc Kinh thiết lập Vùng nhận dạng phong không (ADIZ) trên Biển Đông. Tờ Financial Times cũng từng dẫn nhận định của ông Trần Công, nghiên cứu viên hàng đầu của Công ty Tư vấn Anbound - quá trình quân sự hóa các đảo tại Biển Đông không phải là ngẫu nhiên, mà ẩn chứa một chiến lược hoàn chỉnh.

Ông Rory Medcalf, chuyên gia về an ninh châu Á thuộc Viện Nghiên cứu Lowy từng cho rằng, Bắc Kinh đang muốn đột phá "chuỗi đảo thứ nhất", phân cách Biển Đông, biển Hoa Đông và Hoàng Hải với Thái Bình Dương nhằm phá thế bị Mỹ và các nước đồng minh bao vây.

Tạp chí Quốc phòng Japan Military Review cũng có nhận định tương tự khi dẫn lời Saburo Tanaka, chuyên gia quân sự Nhật cho rằng, hoạt động bồi đắp của Trung Quốc tại 6 đảo trên Biển Đông sẽ tạo nên "chuỗi đảo thứ nhất" để có thể kiềm tỏa các căn cứ quân sự của Mỹ ở Australia. Đương nhiên, những động thái kể trên của Trung Quốc sẽ tác động không nhỏ tới cục diện địa - chính trị tại Châu Á - Thái Bình Dương.

Theo tờ IHS Jane’s, việc đảo hóa tại bãi đá Chữ Thập là dự án thứ 4 ở Trường Sa của Trung Quốc trong 12-18 tháng qua, nhưng đây là dự án có quy mô lớn nhất. Giới quân sự nhận định, việc cải tạo, xây dựng đảo của Trung Quốc trên Biển Đông là nhằm mục đích quân sự, đặc biệt là việc xây dựng một đường băng, để làm nền tảng thiết lập ADIZ trên Biển Đông.

Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc thực hiện khá thuận lợi việc đắp đất tôn nền, biến đá thành đảo tại Gạc ma, Ga Ven, Chữ Thập, Tư Nghĩa, Su Bi và Châu Viên (nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam) là tận dụng triệt để kẽ hở của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).



Giáo sư Carl Thayer từng cho rằng, Trung Quốc đã điều chỉnh chiến thuật và đang âm thầm tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông thông qua các hoạt động tạo đảo nhân tạo, tăng số lượng tàu đánh cá, tàu tuần duyên cỡ lớn, cùng số lần tập trận quân sự tại khu vực này.

Ông Carl Thayer cũng nhận định, khó có khả năng ASEAN và Trung Quốc đạt được thỏa thuận về Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) trong năm 2015. Và Mỹ sẽ tiếp tục đứng trung lập đối với các tranh chấp chủ quyền bởi Washington chỉ quan tâm tới tự do hàng hải ở Biển Đông và không muốn đẩy Trung Quốc đi quá xa.


PetroTimes

Đăng nhận xét

0 Nhận xét