TTO - Trong năm 2014, không quân Nga thường xuyên sử dụng căn cứ nước ngoài tuần tra. Căn cứ Cam Ranh của Việt Nam lần đầu đón các máy bay tiếp liệu của Nga hạ cánh.
Báo Rossyskaya Gazeta dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong năm 2014 các máy bay ném bom tầm xa của nước này đã thực hiện hơn 50 chuyến bay tuần tra trên khắp thế giới. Sứ mệnh này được nối lại vào năm 2007 dưới thời Tổng thống Vladimir Putin.
Do phạm vi hoạt động lớn, các máy bay Nga bắt đầu xuất hiện nhiều hơn tại các căn cứ nước ngoài, ví dụ như các máy bay ném bom chiến lược TU-160 Nga đã sử dụng sân bay các nước vùng Caribe, máy bay tiếp liệu thì lần đầu tiên đáp xuống Cam Ranh.
“Hiện diện quân sự của Nga tại các vùng xa xôi được khôi phục lại từ năm 2007. Sứ mệnh này được giao cho các máy bay TU-160, TU-95MS thuộc sư đoàn Engels và Ukrainka” - Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Cũng theo cơ quan này, kể từ lúc khôi phục, họ đã làm việc rất nhiều cho công tác chuẩn bị, nhất là việc huấn luyện phi công trong điều kiện bay ở các vùng cực Bắc, vĩ tuyến Nam, Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
“Nhờ việc sử dụng các căn cứ không quân tại Bắc Phi và Đông Nam Á, các máy bay chiến đấu tầm xa của Nga có thể vươn tới Địa Trung Hải và biển Đông. Năm 2014 là lần đầu tiên máy bay tiếp liệu IL-78, có nhiệm vụ hậu cần cho máy bay TU-95MS, sử dụng căn cứ Cam Ranh của Việt Nam” - thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Nga bổ sung.
Bên cạnh không quân, tàu chiến Nga cũng được đặc quyền ưu tiên sử dụng căn cứ Cam Ranh.
Trong lần trả lời hãng tin Itar-Tass tháng 6-2014, Đại sứ Việt Nam tại Nga Phạm Xuân Sơn cho biết: “Căn cứ Cam Ranh được chia làm hai phần: dân sự và quân sự. Tàu chiến các nước có thể đi vào địa phận căn cứ nếu chấp hành các thỏa thuận giữa hai bên, tuy nhiên chúng tôi có thể nói nước Nga có quyền ưu tiên tại đây”.
Hiện phía Nga đang giúp Việt Nam huấn luyện các thủy thủ tàu ngầm tại căn cứ Cam Ranh với sự tham gia của hãng công nghệ quân sự từ Saint-Petersburg Avrora JSC.
Cách đây không lâu, chiếc tàu ngầm Kilo 636 mang tên “Đà Nẵng”, chiếc thứ năm trong hợp đồng sáu chiếc cho Việt Nam, đã hạ thủy tại nhà máy đóng tàu Almiralty Verfi tại thành phố Saint-Petersburg.
Tuổi Trẻ
0 Nhận xét