Thủy thủ VN điều khiển tàu ngầm TP.HCM lập kỉ lục

Tàu HQ-183 TP.HCM đã thực hiện cú lặn sâu kỷ lục đến 285 m trong khi trần lặn theo thiết kế là 300 m khiến chuyên gia Nga cũng phải thán phục.
Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, sáng 20/12 tàu ngầm mang tên TP.HCM đón đoàn lãnh đạo TP.HCM do ông Võ Văn Thưởng - ủy viên Trung ương Đảng, phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM - dẫn đầu đến thăm.

Anh Nguyễn Văn Bách (40 tuổi) thuyền trưởng tàu ngầm HQ-183 TP.HCM (thuộc Lữ đoàn tàu ngầm 189) chia sẻ, chuyến đi biển dài ngày anh ngủ rất ít vì dưới lòng biển mất ý niệm về thời gian đêm ngày.

Anh tiết lộ ngày 6/12 vừa qua, kíp tàu HQ-183 TP.HCM do anh chỉ huy đã thực hiện cú lặn sâu kỷ lục đến 285 m trong khi trần lặn theo thiết kế của tàu HQ-183 TP.HCM, mệnh danh là “hố đen đại dương”, là 300 m khiến chuyên gia Nga cũng phải thán phục.

Trung tá Bách cũng cho biết, muốn gia nhập lực lượng hải quân đã ngặt nghèo, vào lực lượng tàu ngầm càng khó bội phần, bởi phải vượt qua nhiều bài kiểm tra thể lực, trình độ, kỹ năng rất nghiêm ngặt. Chỉ cần sơ sẩy một vòng là bị loại ngay.


Trung tá Nguyễn Văn Bách, thuyền trưởng tàu ngầm HQ-183 TP.HCM (phải), tặng ông Võ Văn Thưởng chai nước biển lấy từ độ sâu 285 m.

Ngoài ra, môn ngoại ngữ cũng là thử thách rất lớn với nhiều sĩ quan, bởi thời gian học chỉ có hai năm nhưng yêu cầu về khối lượng kiến thức rất lớn.

Về khẩu phần thức ăn cho thủy thủ đoàn, anh Bách cho biết chủ yếu là thức ăn khô, giàu dinh dưỡng. Sở dĩ trên tàu ngầm phải ăn khô vừa không mất nhiều thời gian chế biến, chỉ cần thêm nước nóng vào để nở ra là có thể có canh, cơm, thịt.

Mặt khác, nếu tổ chức nấu nướng nhiều lượng nhiệt tỏa ra nhiều sẽ đốt cháy ôxy, tàu sẽ nóng lên, rất ngột ngạt. Thủy thủ đoàn được trang bị sách, máy xem phim… để giải trí.

Anh Bách bảo gian khổ như vậy nhưng đời lính tàu ngầm cũng có nhiều dấu ấn đặc biệt mà không phải ai cũng có được.

Dấu ấn thiêng liêng trong chuyến lặn đầu tiên xuống lòng biển của anh em tàu ngầm là phải uống cạn nửa lít nước biển mà không được rớt một giọt, nếu không sẽ phải uống lại từ đầu.

“Tục uống nước biển đối với lực lượng tàu ngầm như lời tuyên thệ chính thức trở thành sĩ quan tàu ngầm và trung thành khi tham gia lực lượng tàu ngầm. Tục này để ngầm hiểu vượt qua rủi ro để không phải uống nước biển thêm lần nữa và cũng nguyện cho tàu ngầm có số lần nổi, chìm ngang nhau” - Trung tá Bách chia sẻ.

Dấu ấn khó phai nhất là được tổ chức sinh nhật dưới lòng biển. Riêng anh Bách đã hai lần được làm sinh nhật tại tàu ngầm, lần đầu tiên tại biển Baltic Nga, độ sâu 50 m và lần thứ hai tại Việt Nam cũng ở độ sâu hàng chục mét.

Đại tá Trần Thanh Nghiêm, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn tàu ngầm 189, cho biết hai tàu ngầm HQ-182 Hà Nội và HQ-183 TP.HCM nhận đến nay đã tròn một năm. Từ đó đến nay tàu đã thực hiện tổng cộng 16 chuyến đi, trong đó có sáu chuyến đi độc lập, 10 chuyến đi có chuyên gia Nga.

Huấn luyện cảm giác y như thật

Một trong những nơi đặc biệt mà đoàn lãnh đạo TP đến thăm là Trung tâm huấn luyện tàu ngầm. Đây là trung tâm lớn nhất, hiện đại trong khu vực Đông Nam Á, chuyên huấn luyện thủy thủ thao tác trong tàu ngầm.

Tại đây, thủy thủ được trải qua những phần huấn luyện với cảm giác y như thật khi đi biển trong sóng, gió, rung chấn, khi tàu lặn và nổi lên mặt nước.


Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM cùng các ban ngành tham quan tàu ngầm HQ-183 TP Hồ Chí Minh trong một lần khác vào tháng 3/2014. (Ảnh TTO)

Lãnh đạo TP đã trải nghiệm cảm giác khi tàu ngầm đi trong sóng cấp 5, cấp 6 (khi nổi) với sự nghiêng lắc dữ dội. Đặc biệt, trung tâm rất chú ý đến kỹ năng sinh tồn của thủy thủ trong những tình huống nguy hiểm, khi sự cố xảy ra. Trung tâm có hẳn một mô hình tổ hợp huấn luyện chống cháy, chống chìm rất hiện đại.

Thượng tá Hoàng Lương Ngọc, phó lữ đoàn trưởng - tham mưu trưởng Lữ đoàn 189, cho biết: “Nước sẽ được bơm vào khoang để anh em trong đó xử lý, bịt kín lỗ thủng ở nhiều vị trí và độ khó khác nhau.

Hoặc ở tổ hợp huấn luyện chống cháy, sẽ tạo cháy thật ở bên trong khoang, thủy thủ phải chống cháy trong khi các cửa khoang đóng kín. Bài tập này nhằm chuẩn bị tâm lý và kỹ năng khắc phục hỏng hóc cho thủy thủ trong những sự cố khác nhau”.

Tổng hợp PLO, TTO

Đăng nhận xét

0 Nhận xét