Cam Ranh là tiền tiêu ngăn Trung Quốc chiếm Biển Đông

(GDVN) - Kanwa nhận định rằng với các vũ khí trang bị mới Việt Nam đầu tư cho Hải quân khiến Việt Nam trở thành "kình địch" đáng gờm nhất của Trung Quốc trên Biển Đông.


Lễ tiếp nhận tàu ngầm Kilo 636 MV do Nga chế tạo của Hải quân Nhân dân Việt Nam, HQ 182 Hà Nội. Ảnh: Quân đội nhân dân.

Tạp chí Bình luận quốc phòng Kanwa xuất bản tại Canada số tháng 1/2015 (xuất bản trước) có bài "Cảng Cam Ranh: Tiền tiêu kiềm chế Trung Quốc". Bài báo này bình luận, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng quy mô lớn ở cảng Cam Ranh và quân cảng này sẽ trở thành tiều tiêu ngăn chặn quân Trung Quốc bành trướng xuống phía Nam. Kanwa nói, công trình xây dựng cảng Cam Ranh bắt đầu tăng tốc từ năm 2012, ngoài ra các trận địa khác cũng được thay mới hoàn toàn.

Tạp chí quốc phòng của Canada cho biết, cũng trong năm 2012 Việt Nam đã bố trí ít nhất 2 tiều đoàn tên lửa phòng không mới, mỗi tiểu đoàn được biên chế 6 bệ phóng tên lửa di động. Nhưng theo Kanwa công trình đáng chú ý nhất là căn cứ cho tàu ngầm lớp Kilo 636 MV mua của Nga. Trong năm 2013 Việt Nam đã xây dựng được 4 cầu tàu và 2 chiếc Kilo 636 MV hiện đang neo đậu tại đây. Đến năm 2017 toàn bộ 6 chiếc Kilo 636 MV mà Việt Nam đặt hàng sẽ được Nga bàn giao đầy đủ.

Điểm khác biệt so với những chiếc Kilo 636 mà Nga bán cho Trung Quốc ở chỗ, tàu ngầm Việt Nam được trang bị tên lửa hành trình đối đất 3M-14E. Loại tên lửa này Nga chỉ xuất khẩu cho Algérie, Ấn Độ và Việt Nam, Trung Quốc không có tên trong danh sách. Ngoài ra tàu ngầm Việt Nam sử dụng kính tiềm vọng hồng ngoại nhìn đêm, có khả năng quay phim chụp ảnh trong khi tàu ngầm Trung Quốc chỉ sử dụng kính tiềm vọng quang học loại cũ. Hải quân Việt Nam đã đặt tên cho 6 chiếc tàu ngầm Kilo 636 MV, số hiệu từ HQ182 đến HQ187.

Kanwa bình luận, một khi nổ ra xung đột quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông thì tàu ngầm 2 bên sẽ trở thành lực lượng tiên phong xung kích trong tấn công cũng như phòng thủ. Vì vậy Hải quân Việt Nam đã không ngừng tìm cách cải tiến các thiết bị Sonar của vỏ tàu ngầm 636MV.

Nỗ lực mới nhất hiện đại hóa sức mạnh hải quân của Việt Nam còn bao gồm việc đặt hàng 2 tàu hộ vệ mang tên lửa loại mới với lượng dãn nước 1620 tấn của Hà Lan. Điều này cho thấy Việt Nam đang đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí cho hải quân của mình.

2 chiến hạm cùng loại mà Indonesia mua của Hà Lan được trang bị tên lửa hạm đối hạm của Pháp. Nhưng theo giới phân tích nhiều khả năng Hải quân Việt Nam sẽ trang bị tên lửa hạm đối hạm của Nga cho 2 chiến hạm mới. Ngoài ra có nguồn tin cho rằng Việt Nam đang đàm phán với Pháp về việc mua tên lửa chống hạm Exocet.

Về mặt huấn luyện, duy tu và bảo dưỡng, Kanwa cho rằng Việt Nam còn nhận được sự hỗ trợ từ Ấn Độ. Trước đó 2 nước đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác quân sự bởi vì mặc dù nhiệt độ vùng nước, điều kiện thủy văn ở vùng biển tàu ngầm lớp Kilo Ấn Độ hay Việt Nam hoạt động cũng tương tự như điều kiện ở các vùng hoạt động của tàu ngầm Nga, nhưng việc duy tu bảo dưỡng tàu ngầm lâu nay 2 nước vẫn phải phụ thuộc vào Nga.

Nguồn tin nói với Kanwa rằng, quân cảng Cam Ranh hiện đang được cải tạo toàn diện và ngay từ năm 2013 đã xây dựng dược 3 hầm máy bay thông nhau, có thể đặt được 12 chiếc chiến đấu cơ tại đây. Kanwa cho biết, hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy căn cứ Cam Ranh sắp tiếp đón chiến đấu cơ Su-30MK2. Việt Nam đang nhận hàng đợt 2 với 12 chiếc Su-30MK2, đến năm 2015 Việt Nam sẽ có 32 chiếc chiến đấu cơ loại này. Ảnh vệ tinh chụp tháng 3 năm nay cho thấy, căn cứ Cam Ranh sẽ nhận 1 biên đội Su-MK2.

Căn cứ quân sự Cam Ranh của Việt Nam có kết cấu của một vịnh nước sâu, theo Kanwa đây là bình phong thiên nhiên cực tốt. Khoảng cách từ Cam Ranh đến vịnh Á Long trên đảo Hải Nam chỉ có 699 km, cách đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam, đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) 641 km và cách đá Chữ Thập, Gạc Ma, Ga Ven nơi Trung Quốc đang xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) từ 482 đến 618 km cho nên cảng Cam Ranh có vị trí rất tuyệt vời có thể "Đông xuất, Tây tiến".

Kanwa bình luận, một khi cần thiết Việt Nam có thể sử dụng tên lửa đối đất 3M-14E tấn công thẳng vào sào huyệt hải quân Trung Quốc trên vịnh Á Long đảo Hải Nam, nơi đặt căn cứ tàu ngầm và tổng kho dầu của hải quân Trung Quốc.Theo tư liệu công khai, tên lửa 3M-14E có tầm bắn khoảng 280 km nhưng sau khi cải tiến có thể nâng tầm bắn lên khoảng 300 km. Do đó 3M-14E có thể trực tiếp tấn công ngay cả căn cứ của hạm đội Nam Hải, Trung Quốc ở Trạm Giang, Quảng Đông.


Tên lửa đối đất 3M-14E, tầm bắn 290 km, đầu chiến đấu nặng 400 kg

Tạp chí này nói rằng, một khi tên lửa 3M-14E rời bệ phóng sẽ nhanh chóng tăng độ cao, sau đó mới hạ thấp độ cao cơ động. Trong khoảng thời gian này nó sẽ được dẫn đường từ vệ tinh, đồng thời cũng có thể chạy theo quán tính để tiêu diệt mục tiêu.Trong khoảng cách vài km cuối cùng trước khi nhắm vào mục tiêu, radar lắp ở đuôi tệ lửa sẽ tự động bật để xác định chuẩn xác mục tiêu trên mặt đất. Phương thức dẫn đường của tên lửa này cho đến hiện nay vẫn là bí mật công nghệ cao của quân đội Nga.

Kanwa nói, tên lửa 3M-14E mà Nga bán cho Việt nam vượt xa loại tên lửa 3M-54E Nga bán cho Trung Quốc với tầm bắn chỉ có 220 km. Trong khi đó những tên lửa 3M-54E được trang bị cho Việt Nam đã có tầm bắn trên 290 km. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sản xuất nhái tên lửa 3M-54E của Nga với tên gọi YJ-18.

Hiện tại, Kanwa cho rằng Việt Nam đã bố trí ít nhất 5 tàu cao tốc lượng dãn nước 540 tấn, mang 4 tên lửa hạm đối hạm P-20 ở Cam Ranh, trong đó tầm bắn của P-20 khoảng 40 km. Ngoài ra tàu cao tốc tàng hình loại mới nhất của hải quân Việt Nam có lượng dãn nước khoảng 600 tấn, mỗi chiếc được trang bị 8 tên lửa hạm đối hạm Kh-35 tầm bắn 130 km. Việt Nam còn trang bị cho Hải quân 4 chiếc tàu cao tốc Lightning của Nga, mỗi chiếc mang 16 quả tên lửa Kh-35 và đang tự đóng 6 chiếc loại này.

Kết luận bài báo Kanwa nhận định rằng với các vũ khí trang bị mới Việt Nam đầu tư cho Hải quân khiến Việt Nam trở thành "kình địch" đáng gờm nhất của Trung Quốc trên Biển Đông, hải quân Trung Quốc tuyệt đối không thể khinh xuất.

Tạp chí Bình luận quốc phòng Kanwa (Hán hòa) được xuất bản tại Canada với 3 ngôn ngữ: Anh, Nhật và Trung Quốc, thường xuyên đề cập đến các tin tức về quân sự, ngoại giao, quốc phòng của Trung Quốc và khu vực Đông Á, được các hãng thông tấn lớn của Mỹ, Anh, Nhật Bản và Trung Quốc thường xuyên trích dẫn.

Bình luận viên nổi tiếng của tạp chí này là Pinkov, tên gốc là Trương Nghị Hoằng (Andrei Chang), quê Vân Nam, dân tộc Choang, tự cho rằng không có "huyết thống Trung Quốc", vì hâm mộ Nguyên soái Liên Xô Zhukov nên đổi tên thành Pinkov.

Pinkov vừa là người sáng lâp kiêm tổng biên tập tạp chí Bình luận quốc phòng Kanwa, đồng thời còn là nhà bình luận quân sự quen thuộc cho các tạp chí quốc phòng khác như Jane's Defence Weekly của Anh, hay Tuần san Châu Á, Nghiên cứu Quân sự...

Nguồn: Giáo Dục Việt Nam

Đăng nhận xét

0 Nhận xét