Trong cuốn sách “Asia’s Cauldron: The South China Sea and a finish of a fast Pacific” (Chảo lửa châu Á: biển Đông và sự kết thúc một Thái Bình Dương ổn định) nhà phân tích chính trị của công ty tình báo tư nhân Stratfor, ông Robert Kaplan đưa ra quan điểm về lý do tại sao Trung Quốc và các nước láng giềng ở biển Đông lại cùng tuyên bố chủ quyền ở một vùng biển. Cuốn sách đã hình thành nên chủ đề của một cuộc nói chuyện gần đây của Kaplan tại Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại (FPRI).
Điểm khởi đầu của Kaplan, như trong tất cả các phân tích của mình, là những hạn chế được áp đặt bởi vị trí địa lý vào sự lựa chọn của các nhà lãnh đạo và các quốc gia.
Nếu bạn bắt đầu bằng các thông tin về địa lý, bạn ngay lập tức sẽ có hai câu chuyện mâu thuẫn về Trung Quốc, theo Kaplan.
Đầu tiên là Trung Quốc lớn hơn rất nhiều so với những gì thể hiện trên bản đồ. Bạn có vùng Viễn Đông của Nga với dân số chỉ khoảng 7 triệu người sống trong một khu vực rộng lớn giàu khoáng sản như gỗ, vàng, uranium, tiếp giáp với khu vực Mãn Châu của Trung Quốc và 100 triệu người ở miền tây Trung Quốc, những người có thể đổ qua biên giới Trung – Nga để chiếm lại vùng đất đã từng thuộc về Trung Quốc cho đến giữa thế kỷ XIX.
Một thực tế mâu thuẫn khác là Trung Quốc thực sự nhỏ hơn những gì đang thể hiện trên bản đồ địa lý. Kaplan chỉ ra rằng dân tộc Hán, những người đang nắm giữ các vị trí quyền lực thống trị trong nhà nước Trung Quốc, đang sống ở khu vực trung tâm và bờ biển phía đông đất nước.
Người Mông Cổ ghét họ, người Hồi giáo Turtuk ghét họ, và sống ở phía tây, nơi bắt nguồn của các con sông lớn của Trung Quốc cùng với hầu hết tài nguyên khoáng sản – tất cả đều ép người Hán vào một không gian nhỏ hẹp hơn nhiều so với bản đồ của Trung Quốc.
Kaplan đã chỉ ra rằng nếu Trung Quốc thực hiện tự do dân chủ, chắc chắc đất nước Trung Quốc sẽ gặp những bất ổn về bạo lực sắc tộc và gần như sẽ bị phân liệt thành nhiều quốc gia.
Bên cạnh đó, các lãnh đạo Trung Quốc cũng phải đối phó với những vấn đề của nền kinh tế. Vậy giới lãnh đạo Trung Quốc đã làm gì khi nhận ra điều này? Họ đã kích động chủ nghĩa dân tộc để người dân có một thứ gì đó để la hét.
Vậy họ sẽ hướng đến đâu? Rõ ràng là về mặt địa lý thì địa điểm hướng tới chính là Biển Đông và Biển Hoa Đông. Kaplan chỉ ra rằng đây là một khu vực tự nhiên với nhiều nước tiếp giáp: Việt Nam ở phía tây, Philippines ở phía đông, Trung Quốc ở phía bắc và Malaysia ở phía tây nam.
Trung Quốc tuyên bố 80% biển Đông thuộc về mình, nhưng Việt Nam và những nước khác đã dựa vào Luật biển quốc tế để khẳng định rằng vùng lãnh hải của mỗi nước phụ thuộc vào đường bờ biển của mình.
Việt Nam khẳng định một giới hạn lãnh hải 200 hải lý ở Biển Đông. Philippines cũng đưa ra một tuyên bố tương tự, và như vậy, đã có một sự mâu thuẫn trong tuyên bố chủ quyền.
Lý do Trung Quốc đang đưa một lượng lớn sức mạnh hải quân vào Biển Đông, theo Kaplan, là họ đang học theo một bài học cơ bản từ lịch sử Mỹ. Bài học này là khả năng triển khai sức mạnh hải quân ra vùng biển Caribbean và trở thành thế lực thống trị ở đó, dẫn đến việc Mỹ trở thành một siêu cường quốc.
Kaplan lập luận: “Tây bán cầu được chia thành hai khu vực phía bắc và nam của khu rừng nhiệt đới Amazon. Khi Mỹ giành quyền kiểm soát vùng Vịnh Mexico, họ đã đạt được sự thống trị ở tây bán cầu”.
Những gì Trung Quốc muốn làm là ép Mỹ và những nước khác lui ra khỏi biển Đông để họ có thể giành quyền lực thống trị ở khu vực này. Điều này sẽ đồng thời cung cấp cho Trung Quốc khả năng kiểm soát Ấn Độ Dương, và từ đó sẽ cho phép kiểm soát thương mại toàn cầu.
Nguyễn Anh (dịch từ Qfinance)
Anthony Harrington là một doanh nhân và là nhà báo chuyên lĩnh vực năng lượng. Ông thường xuyên viết cho tờ Scotsman, Glassgow Herald, tạp chí Financial Director, tạp chí Pensions Insight…
0 Nhận xét