Trọng Nghĩa
Yếu tố thu hút sự chú ý nhiều nhất chính là kế hoạch thiết lập một đơn vị Thủy quân lục chiến tương tự như binh chủng Marines của Mỹ, được đặc biệt sử dụng trong các chiến dịch bảo vệ các hòn đảo ở vùng biển phía Nam Nhật Bản hoặc là tấn công giành lại các nơi này trong trường hợp bị đối phương xâm lược.
Trong khuôn khổ đó, quân đội Nhật Bản yêu cầu được chi 1,3 tỷ yên để trang bị hai phương tiện lội nước tấn công đổ bộ, và tăng cường chương trình huấn luyện tại Hoa Kỳ dưới sự dìu dắt của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ.
Việc thành lập đơn vị lính thủy đánh bộ này được chú ý vì lẽ binh chủng Thủy quân lục chiến thường được coi như là một lực lượng tấn công, trong khi Hiến pháp Nhật Bản lại giới hạn lực lượng vũ trang nước này – vốn đã rất hùng hậu và hiện đại – vào vai trò phòng thủ và nghiêm cấm các hành vi gọi là ‘hiếu chiến’.
Khi nêu bật nhiệm vụ « bảo vệ các hòn đảo miền Nam » của lực lượng mới này, rõ ràng là Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã nói đến vùng quần đảo Senkaku do Tokyo kiểm soát, nhưng đang bị Bắc Kinh đòi chủ quyền, và không ngừng cho tàu Tuần duyên vào khiêu khích.
Mục tiêu bảo vệ các hòn đảo bị tranh chấp cũng hiển hiện trong yêu cầu tăng cường phương tiện cho lực lượng phòng không. Binh chủng này sẽ thành lập thêm một đơn vị cảnh báo sớm, cũng trong khu vực phía Nam, với các loại phi cơ trang bị radar cực mạnh.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản xác định là sẽ nghiên cứu đầy đủ về việc mua các loại phi cơ Osprey của Mỹ, có khả năng nghiêng cánh quạt để có thể cất cánh theo chiều thẳng đứng như trực thăng.
Bên cạnh đó là một loạt những trang thiết bị hay phương tiện vũ khí ‘truyền thống hơn, với ý định trang bị thêm một chiếc khu trục hạm trị giá hơn 73 tỷ yên, một chiếc tàu ngầm hơn 51 tỷ yên và một chiếc tàu cứu nạn tầu ngầm, gần 51 tỷ. Các công nghệ học nhằm phát hiện và theo dõi các loại phi cơ được mệnh danh là tàng hình cũng được quan tâm.
Theo các nhà phân tích, yêu cầu gia tăng ngân sách của bộ Quốc phòng Nhật Bản phản ánh chính sách mới của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, với một đường lối đối ngoại quyết đoán hơn, và một chủ trương quốc phòng mạnh bạo hơn.
Trong thời gian gần đây, ông Abe thường xuyên bày tỏ thái độ quan ngại trước vấn đề quốc phòng Nhật Bản, vào lúc mà Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động hải quân trong vùng biển xung quanh Nhật Bản, và Bắc Triều Tiên, một quốc gia nổi tiếng với tính khí thất thường, vẫn tiếp tục chương trình hạt nhân và tên lửa của mình. Ông cũng đã kêu gọi liên minh quân sự chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ, nước đang trong tiến trình tái cân bằng lực lượng của mình qua châu Á.
Ngân sách do Bộ Quốc phòng yêu cầu tuy nhiên vẫn còn ở dạng đề nghị, phán quyết cuối cùng sẽ được đưa ra trong thời gian tới đây. Nếu được chuẩn y thì nó sẽ đánh dấu một sự gia tăng lớn nhất kể từ năm tài chính 1992 đến nay.
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130831-bao-ve-bien-dao-chong-trung-quoc-uu-tien-moi-cua-quoc-phong-nhat-ban
0 Nhận xét