(8/8/2013- BBC)Trong bối cảnh cuộc bầu cử mới rồi tại Campuchia, giới quan sát và bình luận đã không bỏ qua vai trò của Trung Quốc ở quốc gia Đông Nam Á này.
Thời báo phố Wall (Wall Street Journal - WSJ) vừa có bài tựa đề "Bắc Kinh thua cuộc bầu cử Campuchia" với phân tích rằng các thách thức mới nảy sinh có thể khiến Thủ tướng Hun Sen dần tách xa Trung Quốc.
Lâu nay Campuchia dưới sự lãnh đạo của Hun Sen bị cho là đã có nhiều chính sách thân Trung Quốc, đặc biệt trong thái độ của nước này đối với các vấn đề khu vực.
WSJ nhận định rằng trong cuộc bầu cử Campuchia, 'người thua nặng nhất có thể lại là Trung Quốc".
Theo tờ báo, Trung Quốc dường như đã quay sang Campuchia và Hun Sen sau khi Miến Điện cải cách dân chủ hai năm trước. Thế nhưng giờ đây "Bắc Kinh khó có thể nhận được thành quả đầu tư mà họ trông đợi từ Phnom Penh".
Trong cuộc bầu cử mới rồi, đảng cầm quyền CPP của Thủ tướng Hun Sen đã giành được số phiếu bầu nhỉnh hơn đảng đối lập Cứu nguy dân tộc do ông Sam Rainsy làm lãnh đạo.
Tuy nhiên một sự thật ai cũng phải thừa nhận là chênh lệch giữa hai đảng không quá lớn, cho thấy sự ủng hộ của một số tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ, cho đảng của Sam Rainsy.
Hồi chuông cảnh tỉnh
Cuộc tranh cãi xung quanh các cáo buộc vi phạm trong bầu cử vẫn còn đang tiếp diễn, nhưng những kết quả ban đầu đã thực sự là hồi chuông cảnh tỉnh đối với Thủ tướng Hun Sen, người cầm quyền thuộc loại lâu nhất châu Á.
CPP trong nhiều năm từng thi hành chính sách đi dây giữa hai bên là phương Tây và Trung Quốc nhưng những năm gần đây đã ngả về phía Bắc Kinh, nhà tài trợ lớn của Phnom Penh.
Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc là quốc gia có lượng đầu tư trực tiếp lớn nhất ở Campuchia, gấp mười lần Mỹ.
Viện trợ từ Trung Quốc chiếm tới nửa ngân sách của Campuchia, và Bắc Kinh cũng cấp cho Phnom Penh nhiều khoản vay ưu đãi trị giá hàng trăm triệu đôla.
Một điều quan trọng, là Bắc Kinh không gây áp lực với ông Hun Sen về nhân quyền và dân chủ. Nghị trình của Trung Quốc hoàn toàn khác.
Ngoài tăng tầm ảnh hưởng, Bắc Kinh muốn Hun Sen ủng hộ mình trong các vấn đề quốc tế và khu vực, hiển hiện rõ nhất trong bất đồng chủ quyền ở Biển Đông mà Campuchia đã đứng hoàn toàn về phía Trung Quốc khi nước này làm chủ tịch luân phiên khối Asean năm 2012.
Tới nay chắc ông Hun Sen cũng hiểu cái giá phải trả khi dịch về phía Trung Quốc. Đó là sự thống lĩnh của Trung Quốc trong nền kinh tế Campuchia, khi các dự án hạ tầng do Trung Quốc đầu tư lại thuê mướn người Trung Quốc tràn lan chứ không phải người bản địa.
Đó cũng là các dự án làm ăn của Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực lâm nghiệp và khai khoáng, đã làm tăng tình trạng tham nhũng trong giới quan chức Campuchia.
Người dân thường Campuchia tỏ ra nghi ngại khi thấy hiện diện quá lớn của người Trung Quốc, cũng như than phiền về nạn tham nhũng của chính quyền.
Điều này chắc chắn khiến Thủ tướng Hun Sen phải cân nhắc lại chính sách của mình để hiểu ra là không thể chỉ dựa vào một mình Trung Quốc.
WSJ cho rằng sẽ không ngạc nhiên nếu như giờ đây Hun Sen lại quay trở lại o bế phương Tây trong một toan tính mới.
Trung Quốc không thể trung lập mãi?
Trong khi đó, tờ Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc cũng vừa có bài cảnh báo Trung Quốc phải chú ý tới cuộc bầu cử tại Campuchia.
Ding Gang, cây bút của Hoàn Cầu thời báo, cho hay khi tới Campuchia ông cảm nhận được rõ ràng một điều là người dân quá bất bình vì nạn tham nhũng.
Kết quả bầu cử, theo nhận định của nhà báo Trung Quốc, sẽ khiến Hun Sen phải có các chính sách hướng tới người dân nhiều hơn nữa.
Ding Gang cho rằng các thay đổi trong môi trường chính trị Campuchia sẽ có ảnh hưởng lên quan hệ Bắc Kinh-Phnom Penh.
"Thông thường Trung Quốc hay tự cho là Campuchia phải dựa vào Trung Quốc và không quan tâm tới những biến chuyển chính trị tại các nước láng giềng."
"Trung Quốc cũng hay giữ lập trường thận trọng, trung lập khi nói tới bầu cử tại các nước khác."
Cây bút của tờ báo theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa khuyến cáo Bắc Kinh phải nghiên cứu kỹ lưỡng các tiến trình chính trị ở nước láng giềng, nhất là sức mạnh của lá phiếu trong các kỳ bầu cử.
Nguồn: BBC
0 Nhận xét