Chủ trương “tích cực, chủ động hội nhập quốc tế” một cách toàn diện, trong đó có hội nhập quốc tế (HNQT) về quốc phòng do Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra là sự đổi mới về tư duy, là sự đúc kết về lý luận từ thực tiễn hoạt động đối ngoại của Đảng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương đó của Đảng, các hoạt động HNQT về quốc phòng của Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả to lớn, đã thúc đẩy nhiều mối quan hệ hợp tác quốc phòng song phương phát triển, đi vào chiều sâu, đồng thời tích cực tham gia các cơ cấu hợp tác quốc phòng đa phương một cách hiệu quả.
Một điểm thu hút khá nhiều sự chú ý của dư luận trong nước và quốc tế thời gian qua là quá trình chúng ta chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (GGHB LHQ) (1). Đây là bước phát triển mới cho quá trình HNQT về quốc phòng của nước ta nhằm đáp ứng các mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Khái niệm và mục tiêu về hoạt động GGHB LHQ được các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an (HĐBA) xác định: “Hoạt động GGHB là sự phối hợp đa dạng các hoạt động từ lĩnh vực dân sự đến lĩnh vực quân sự của các nước, các tổ chức quốc tế (cao nhất là LHQ), khu vực trên phạm vi toàn thế giới dưới sự chỉ huy LHQ nhằm kiến tạo hòa bình ở những nơi xung đột, giải quyết tranh chấp, bất đồng giữa các bên xung đột thông qua biện pháp hòa bình”.
Lực lượng GGHB LHQ hoạt động dựa trên cơ sở Hiến chương LHQ, các điều luật quốc tế như “Luật Nhân đạo quốc tế”, “Luật Nhân quyền quốc tế”, “Luật Xung đột vũ trang”, các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ và một số văn bản pháp lý liên quan khác (2).
Những công việc mà quân đội ta đang tích cực chuẩn bị cùng với các ngành, các cấp thực hiện để có thể đưa lực lượng của Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ luôn quán triệt tư duy mới của Đảng trong quan hệ quốc tế về quốc phòng.
Việc quyết định đẩy nhanh quá trình chuẩn bị mọi mặt để tham gia có hiệu quả các hoạt động GGHB LHQ không chỉ thể hiện sự đổi mới về tư duy, tinh thần tích cực, chủ động trong HNQT của Đảng, Nhà nước ta mà còn đánh dấu sự phát triển mới về trình độ, năng lực của quân đội ta trong hoạt động hợp tác quốc tế.
Các đại biểu tại Hội thảo tổ chức tại Đà Nẵng chuẩn bị cho việc Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ.
Bước phát triển mới của tư duy hội nhập quốc tế về quốc phòng
Trước hết, tham gia các hoạt động GGHB LHQ là thể hiện cụ thể việc vận dụng tư duy về HNQT về quốc phòng của Đảng ta. Đây là sự thay đổi về chất trong cách tiếp cận đối với các hoạt động hợp tác khu vực và quốc tế trên lĩnh vực quốc phòng.
Quá trình khu vực hóa, toàn cầu hóa như một quy luật phát triển tất yếu trong lịch sử nhân loại đang đưa các quốc gia, dân tộc đến gần nhau hơn, gắn kết và chịu ảnh hưởng lẫn nhau nhiều hơn trên mọi lĩnh vực trong đó quốc phòng-an ninh không phải là một ngoại lệ.
Sự gắn kết toàn diện của nước ta với khu vực và thế giới ngày càng sâu sắc, trong đó quốc phòng-an ninh của đất nước chịu tác động mạnh mẽ của tình hình an ninh khu vực và thế giới. Do vậy, tư duy HNQT về quốc phòng của Đảng thể hiện sự gắn kết mạnh mẽ giữa bảo vệ Tổ quốc với việc giải quyết các vấn đề an ninh đang nổi lên trong khu vực và trên thế giới.
Đây không phải đơn thuần là hợp tác để giải quyết các vấn đề an ninh khu vực và thế giới đang nổi lên theo hướng có lợi cho Việt Nam mà là thể hiện cách tiếp cận mới, coi các thách thức an ninh chung của khu vực và thế giới cũng là thách thức an ninh của Việt Nam.
Với tư duy này, Việt Nam tham gia giải quyết các vấn đề an ninh khu vực và thế giới, thể hiện là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng ASEAN và quốc tế. Trên phương diện này, việc tham gia hoạt động GGHB LHQ thể hiện rõ ràng tư duy mới, coi hòa bình, ổn định của mọi khu vực trên thế giới đều nằm trong lợi ích của Việt Nam.
Cách tiếp cận này làm cho nước ta gần gũi hơn, gắn bó hơn với bạn bè khu vực và thế giới. Do vậy, tham gia hoạt động GGHB LHQ làm cho sự gắn kết giữa quốc phòng của nước ta với hòa bình, ổn định của thế giới được mở rộng ra phạm vi toàn cầu.
Với cách làm đó, chúng ta thể hiện nguyện vọng giữ vững hòa bình, ổn định trên thế giới bằng việc làm cụ thể, tích cực. Hành động đó chắc chắn sẽ được bạn bè trên toàn thế giới hoan nghênh và làm cho uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao.
Với tinh thần đó, tham gia hoạt động GGHB LHQ sẽ đưa HNQT về quốc phòng của Việt Nam từ tầm khu vực là chủ yếu sang phạm vi thế giới với nhiều hoạt động đa dạng hơn và cũng khó khăn và phức tạp hơn.
Nhiệm vụ cơ bản của một phái bộ GGHB LHQ thường bao gồm: (1) Hỗ trợ việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định; (2) Hỗ trợ phòng ngừa, giảm thiểu xung đột, bảo vệ người dân; (3) Hỗ trợ thiết lập hệ thống luật pháp, phát triển ngành tư pháp và an ninh; (4) Hỗ trợ cộng đồng thông qua hoạt động nhân đạo, y tế, xây dựng công trình hạ tầng...
Về bản chất, đây là những hoạt động có tính nhân đạo, không trực tiếp liên quan đến xung đột giữa các bên nên tính nhạy cảm không cao.
Giữ vững độc lập tự chủ
Như các hoạt động HNQT về quốc phòng khác, việc tham gia của Việt Nam vào các hoạt động GGHB LHQ cũng thể hiện rõ nét nguyên tắc HNQT mà Đảng ta đã đề ra, trong đó giữ vững độc lập, tự chủ là một trong những nguyên tắc cơ bản. Quan điểm này của Đảng đã được quán triệt sâu sắc khi nước ta trở thành thành viên và tham gia hoạt động của các tổ chức khu vực và quốc tế.
Trong khi chấp nhận và thực hiện có trách nhiệm các nghĩa vụ thành viên của các tổ chức khu vực và quốc tế, Việt Nam vẫn thể hiện là một quốc gia thực sự độc lập và tự chủ. Tinh thần đó tiếp tục được quán triệt khi nước ta tham gia các hoạt động GGHB LHQ.
Lực lượng của Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ chỉ đặt dưới sự điều hành của LHQ, tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương LHQ, được triển khai theo Nghị quyết của HĐBA trên cơ sở thỏa thuận hòa bình và nhất trí của các bên liên quan.
Các hoạt động này luôn phải bảo đảm tính trung lập, vô tư; không tham gia chiến đấu, chỉ sử dụng vũ lực ở mức tối thiểu trong trường hợp không còn biện pháp nào khác để tự vệ.
Vì vậy, lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ không phải là lực lượng tham chiến, không đặt dưới sự chỉ huy của bất kỳ quốc gia nào và chỉ hành động trong khuôn khổ các thỏa thuận với LHQ. Hoạt động này là tự nguyện nên Việt Nam có thể tự do lựa chọn khu vực, quy mô và hình thức tham gia cho phù hợp với khả năng và điều kiện của ta.
Hơn thế nữa, các lực lượng tham gia vào hoạt động GGHB LHQ chỉ thực hiện các công việc đã được thỏa thuận bằng văn bản với cơ quan phụ trách hoạt động GGHB LHQ. Với các thỏa thuận đó, độc lập, chủ quyền của Việt Nam được thể hiện bằng các quy định pháp lý chặt chẽ và không thể bị lạm dụng.
Nhờ vậy, chúng ta có thể quyết định được nội dung, hình thức và các hoạt động cụ thể của lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ trong khi vẫn hoàn thành được các nghĩa vụ của một nước thành viên khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm hòa bình của LHQ.
Quyền chủ động này thể hiện tinh thần triệt để tôn trọng độc lập, tự chủ của nước ta thông qua khả năng quyết định việc tham gia và thực hiện các hoạt động cụ thể của lực lượng Việt Nam tại các phái bộ GGHB LHQ.
Chủ động hội nhập một cách có trách nhiệm
Tham gia hoạt động GGHB LHQ không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm của nước ta với cộng đồng quốc tế mà còn thể hiện quan điểm chủ động HNQT nhằm phục vụ các mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN mà Đảng ta đã đề ra. Tham gia các hoạt động này sẽ nâng uy tín của nước ta lên một tầm cao mới. Cộng đồng quốc tế đang trông đợi sự đóng góp của Việt Nam trên lĩnh vực quan trọng này.
Nhiều quốc gia bày tỏ sự tin tưởng cao vào khả năng chuyên môn của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực trong hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Những người lính và nhân viên dân sự Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ sẽ là các đại sứ hòa bình thể hiện tinh thần trách nhiệm và tinh thần nhân văn “bầu ơi thương lấy bí cùng” dân tộc ta.
Bằng các hoạt động thực tiễn của mình, lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ sẽ làm cho uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, quan hệ quốc tế của đất nước ngày càng rộng mở, góp phần quan trọng phát triển quan hệ của Việt Nam với phần còn lại của thế giới, tạo điều kiện thuận lợi để hợp tác cùng có lợi với các nước để phục vụ công cuộc phát triển đất nước.
Các thông tin, các mối quan hệ mà lực lượng Việt Nam tham gia có được trong hoạt động GGHB LHQ là tiền đề quan trọng để nước ta phát triển quan hệ thương mại, đầu tư với các quốc gia ở những khu vực có tầm quan trọng chiến lược của thế giới và có tiềm năng hợp tác cao.
Mặt khác, việc tham gia hoạt động GGHB LHQ sẽ làm giảm đóng góp tài chính của Việt Nam cho LHQ. Chúng ta không đặt vấn đề lợi ích kinh tế làm mục đích tham gia hoạt động GGHB LHQ của Việt Nam.
Tuy nhiên, nguồn tài chính mà LHQ trả cho các hoạt động GGHB LHQ sẽ làm giảm nhẹ nghĩa vụ tài chính của Việt Nam, tạo điều kiện để ta tiết kiệm ngân sách, để dành nguồn tài chính phục vụ các yêu cầu khác của đất nước.
Như vậy, tham gia hoạt động GGHB LHQ là một ví dụ điển hình cho mối quan hệ giữa HNQT về quốc phòng với HNQT trên các lĩnh vực khác. Trong trường hợp này, HNQT về quốc phòng có thể đi trước, tạo điều kiện thuận lợi cho HNQT trên các lĩnh vực khác. Đây là thể hiện sự đúng đắn chủ trương tích cực, chủ động HNQT toàn diện mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra.
Một việc làm có tác dụng bằng ngàn lời nói
Việc tham gia hoạt động GGHB LHQ tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam làm cho thế giới hiểu rõ hơn chính sách quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ của Đảng và Nhà nước ta, tạo sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế, rất có lợi cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
Các hành động cụ thể của lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ làm cho các chính sách của Đảng và Nhà nước ta cũng như truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam có sức lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng quốc tế.
Sự hiểu biết và đồng cảm của cộng đồng quốc tế sẽ biến thành sức mạnh ngăn cản, vô hiệu hóa các hoạt động thù địch, tuyên truyền phản cách mạng đối với nước ta. Nhờ vậy, thế trận quốc phòng toàn dân của Việt Nam được mở rộng ra phạm vi toàn cầu. Đây là một nhân tố quan trọng để Việt Nam có điều kiện thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ xa, ngăn ngừa chiến tranh và bảo vệ hòa bình cho đất nước.
Tham gia hoạt động GGHB LHQ cũng tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Cán bộ, chiến sĩ ta sẽ được thử thách trong môi trường quốc tế phức tạp, khó khăn trong quá trình tham gia hoạt động GGHB LHQ.
Môi trường đó tạo ra những thách thức lớn với bản lĩnh và trình độ của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Qua thực tế sinh động đó, cán bộ, chiến sĩ ta được rèn luyện và nâng cao khả năng chỉ huy, tổ chức, hiệp đồng, cơ động và trình độ đối phó với các tình huống, khả năng nghiên cứu, nắm tình hình.
Môi trường hoạt động GGHB LHQ đem đến cho cán bộ, chiến sĩ những kiến thức thực tế về luật pháp quốc tế, kinh nghiệm hoạt động trong môi trường quốc tế; kiến thức và kỹ năng phối hợp hoạt động của các lực lượng đa quốc gia. Hơn thế nữa, đây cũng là cơ hội để cán bộ, chiến sĩ ta tiếp xúc với các kiến thức, kỹ thuật quân sự mới.
Do vậy, tham gia hoạt động GGHB LHQ góp phần xây dựng đội ngũ sĩ quan và những chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, có kiến thức chuyên môn sâu, có khả năng hoạt động đa quốc gia. Như vậy, tham gia hoạt động GGHB LHQ thúc đẩy thực hiện HNQT về quốc phòng, góp phần tăng cường thế và lực cho nền quốc phòng toàn dân, thực hiện các mục tiêu bảo vệ Tổ quốc.
Để tham gia hoạt động GGHB LHQ có kết quả, phù hợp với khả năng của Việt Nam, chúng ta đã và đang khẩn trương tiến hành công tác chuẩn bị về mọi mặt trước hết là nguồn nhân lực. Chúng ta đã cử nhiều đoàn cán bộ đi nghiên cứu kinh nghiệm tham gia hoạt động GGHB LHQ ở các quốc gia trên thế giới.
Gần đây nhất, đoàn cán bộ liên ngành (Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ LĐ, TB và XH) đã đi nghiên cứu, khảo sát thực địa các hoạt động của Phái bộ GGHB LHQ tại Nam Xu-đăng (UNMISS) và làm việc với Cơ quan GGHB (DPKO).
Kết quả chuyến công tác khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về việc tham gia hoạt động GGHB LHQ. Các cơ quan LHQ hoan nghênh và đánh giá cao quyết tâm chính trị của Việt Nam thể hiện qua tuyên bố mới nhất của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Shangri-la 12 cuối tháng 5 vừa qua. Các cơ quan chức năng về GGHB của LHQ bày tỏ sự trông đợi và kỳ vọng vào sự tham gia của Việt Nam, đồng thời sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ để đẩy nhanh tiến trình chuẩn bị của Việt Nam để chính thức cử lực lượng tham gia.
Kết quả khảo sát thực địa cho thấy Việt Nam có đủ điều kiện và khả năng tham gia vào hoạt động GGHB LHQ. Ngoài hai lĩnh vực ta dự kiến tham gia từ ban đầu là công binh và quân y, có thể mở rộng việc tham gia vào một số lĩnh vực như phái viên quân sự, sĩ quan tham mưu của phái bộ, công binh công trình. Đây là những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh, có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn tốt.
Qua tìm hiểu, chế độ chính sách của LHQ đối với lực lượng tham gia hoạt động GGHB khi đang phục vụ, cũng như khi ốm đau, gặp tai nạn... thực hiện theo luật quốc tế, được bảo đảm tốt, có nhiều điểm tương đồng với các quy định của Việt Nam (3). Trong thời gian qua, ta đã cử nhiều cán bộ quân đội tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện quốc tế về hoạt động GGHB LHQ. Các cơ quan chức năng cũng đang nghiên cứu để thể chế hóa, luật hóa việc tham gia của Việt Nam vào các hoạt động GGHB LHQ.
Chúng ta cũng đang nghiên cứu để hoàn thiện các cơ chế ra quyết định, phân công nhiệm vụ của các ngành, các cấp, thực hiện phối hợp các lực lượng để bảo đảm cho việc tham gia của Việt Nam vào các hoạt động GGHB LHQ theo đúng các chủ trương của Đảng và Nhà nước, đạt hiệu quả cao về mọi mặt.
Chúng ta đang tích cực chuẩn bị xây dựng Trung tâm huấn luyện hoạt động giữ gìn hòa bình của Việt Nam. Trung tâm này sẽ là nơi đào tạo, huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ quân đội và các lực lượng khác của Việt Nam về ngôn ngữ, luật pháp quốc tế và những kỹ năng cần thiết khi tham gia hoạt động GGHB LHQ.
Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục hoàn tất công tác chuẩn bị về thủ tục pháp lý; cơ chế, chính sách; tuyển chọn, điều động; đào tạo, huấn luyện, đồng thời tiếp tục trao đổi kinh nghiệm với các nước và ký các thỏa thuận cần thiết với LHQ.
Tham gia hoạt động GGHB LHQ là bước phát triển mới trong triển khai chủ trương HNQT của Đảng trong lĩnh vực quốc phòng. Các công tác chuẩn bị về cơ chế, tổ chức, huấn luyện và các phương tiện cần thiết đang được tiến hành trên tinh thần quán triệt sâu sắc quan điểm HNQT về quốc phòng của Đảng.
Quyết định tham gia hoạt động GGHB LHQ của Việt Nam không những thể hiện tinh thần tích cực, chủ động mà còn thể hiện sự tự tin vào trình độ, năng lực thực hiện các nhiệm vụ quốc tế khó khăn của ta.
Với quyết tâm và năng lực của mình, được soi sáng bởi tư duy mới của Đảng về HNQT về quốc phòng, việc tham gia các hoạt động GGHB của Việt Nam nhất định sẽ góp phần giữ vững hòa bình, ổn định trên thế giới đồng thời nâng cao thế và lực của quốc phòng Việt Nam, góp phần xứng đáng thực hiện các mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
(1) Tháng 6/2005, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã giao Bộ Ngoại giao thông báo với LHQ “Chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị và khi đủ điều kiện sẽ tham gia lực lượng GGHB LHQ trên 2 lĩnh vực là công tác rà phá bom mìn và công tác quân y”. Quan điểm này sau đó tiếp tục được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định Việt Nam sẽ cử lực lượng tham gia hoạt động GGHB của LHQ, chủ yếu vào một số lĩnh vực mang đậm tính nhân đạo và phù hợp với khả năng của Việt Nam như quan sát viên quân sự, rà phá bom mìn và quân y sau khi hoàn tất công tác chuẩn bị. Gần đây nhất, ngày 31/5/2013 tại Đối thoại Shangri-la 12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa thông báo về việc Việt Nam đã quyết định tham gia hoạt động GGHB LHQ, trước mắt là lĩnh vực công binh, quân y và quan sát viên quân sự. (2) Tính tới nay, LHQ đã thành lập được 68 hoạt động GGHB, với sự tham gia của 120 quốc gia và đóng góp của hơn 700.000 binh sĩ, cảnh sát và nhân viên dân sự. Hiện tại, LHQ đang duy trì 16 Phái bộ, với số lượng 111.018 người, trong đó có 77.702 quân đội, 12.553 cảnh sát, 1.844 quan sát viên quân sự, 5.107 nhân viên dân sự quốc tế, 2.088 tình nguyện viên và hơn 10.000 nhân viên địa phương. Riêng đối với ASEAN, hiện đã có 7/10 quốc gia thành viên tham gia và chỉ còn lại 3 nước là Việt Nam, Lào và Mi-an-ma chưa chính thức tham gia. (3) Phụ cấp do LHQ chi trả; được đi phép về nước 6 tháng/lần, mỗi lần nghỉ tối đa 2 tuần; LHQ sẽ chịu toàn bộ chi phí điều trị và bồi thường đối với các trường hợp bị thương, tai nạn, bệnh tật... |
Báo Đất Việt
0 Nhận xét