Nhật trình làng tàu sân bay trực thăng 'khủng'

Nhật chuẩn bị trình làng chiếc tàu lớn nhất của nước này kể từ Thế chiến thứ hai vào hôm nay, 6.8, giữa lúc căng thẳng leo thang với Trung Quốc tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Buổi lễ đặt tên cho chiếc tàu sân bay trực thăng dài 248 mét của Nhật sẽ là trung tâm trong các hoạt động kỷ niệm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima, theo AFP.

Tàu sân bay trực thăng của Nhật có thể chở theo 9 chiếc trực thăng và dự kiến sẽ đóng vai trò lớn trong các sứ mệnh cứu trợ thảm họa cũng như bảo vệ lãnh thổ và các tuyến đường biển của Nhật, theo Bộ Quốc phòng nước này. Hiện chưa rõ khi nào chiếc tàu lớp 22DDH sẽ được biên chế.


Tàu lớp 22DDH của Nhật - Ảnh: World Wide Aircraft Carrier

Với chiều dài 248 mét, chiều rộng 38 mét và lượng rẽ nước toàn tải là 27.000 tấn, chiếc tàu được xếp vào loại tàu khu trục của Nhật nặng hơn các tàu sân bay hạng nhẹ của Anh, Tây Ban Nha và Ý.

Trước đó, các chiến hạm lớn nhất của Nhật là hai chiếc tàu sân bay trực thăng lớp Hyuga có lượng rẽ nước toàn tải là 19.000 tấn.

Theo các chuyên gia quân sự, với kích cỡ và chức năng, tàu 22DDH không khác gì một tàu sân bay hiện đại. Nó được xem là đối thủ đáng gờm với tàu sân bay Liêu Ninh được biên chế vào năm ngoái của Trung Quốc.

Chiến hạm “khủng” của Nhật được giới thiệu giữa lúc chính phủ Nhật tính toán thay đổi hiến pháp hòa bình của nước này trong nỗ lực tăng cường năng lực quân sự.

Bộ Quốc phòng Nhật đã khuyến cáo việc thiết lập các đơn vị tấn công đổ bộ tương tự thủy quân lục chiến của Mỹ và mua sắm máy bay không người lái.

Có tên gọi chính thức là Lực lượng Phòng vệ, lực lượng quân sự Nhật hiện bị cấm phát động tấn công, theo hiến pháp Nhật từ sau Thế chiến thứ hai.

Việc Nhật cân nhắc sửa đổi hiến pháp đã châm ngòi cho những làn sóng phản đối từ một các quốc gia láng giềng như Trung Quốc và Hàn Quốc. Hai nước này vốn khăng khăng rằng Tokyo chưa từng rút ra bài học với quá khứ quân phiệt của mình.

Vào tháng 9 năm ngoái, Trung Quốc cũng đã biên chế chiếc tàu sân bay đầu tiên của nước này như một phần quá trình tăng cường quân sự gây báo động cho các quốc gia láng giềng.


Thanh Niên

Đăng nhận xét

0 Nhận xét